XOẮN TINH HOÀN: KINH NGHIỆM CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC
Xoắn tinh hoàn hay còn gọi là xoắn thừng tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh xoắn quanh trục của nó làm cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tinh hoàn dẫn đến hậu quả cuối cùng là tinh hoàn thiếu máu và hoại tử. Xoắn tinh hoàn được coi là một cấp cứu trong tiết niệu với tỉ lệ mắc hàng năm vào khoảng 4.5/1000 nam giới dưới 25 tuổi [9]. Bệnh có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào, nhưng hai thời điểm hay gặp nhất trong cuộc đời của một người nam giới là thời điểm xung quanh tuổi dậy thì (14 –18 tuổi) chiếm khoảng 65% tổng số các trường hợp và thời kì trẻ nhũ nhi (từ 1 tháng đến 12 tháng tuổi) chiếm tỉ lệ ít hơn [3].
Đến khám muộn, chẩn đoán nhầm, điều trị không đúng cách hay chậm trễ trong điều trị là những lí do chính dẫn đến việc cắt bỏ tinh hoàn do xoắn. Theo thống kê ở Anh, mỗi năm có khoảng 400 trẻ em phải cắt bỏ tinh hoàn do xoắn để muộn [3]. Tại bệnh viện Bình Dân, theo số liệu tổng kết 49 trường hợp điều trị tại khoa Nam học trong 2 năm 2008 – 2010 thì tỉ lệ phải cắt bỏ tinh hoàn là 37/49 bệnh nhân chiếm 75,5% [1]. Còn tại bệnh viện Việt Đức, trong những năm gần đây số lượng bệnh nhân đến khám về xoắn tinh hoàn và phải cắt bỏ tinh hoàn có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, trước thực tế đó vẫn chưa có một nghiên cứu nào đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu hồi cứu về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và quá trình chẩn đoán cũng như điều trị bệnh xoắn tinh hoàn tại bệnh viện Việt Đức từ năm 2005 đến năm 2010 để từ đó rút ra những kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị, đồng thời đề xuất những khuyến cáo nhằm làm giảm tỉ lệ phải cắt bỏ tinh hoàn.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu hồi cứu hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân được chẩn đoán xác định là xoắn tinh hoàn và được điều trị bằng phẫu thuật tháo xoắn hoặc cắt bỏ tinh hoàn tại bệnh viện Việt Đức từ tháng 1 năm 2005 đến tháng 12 năm 2010.
Những bệnh nhân không có chẩn đoán xác định xoắn tinh hoàn bằng phẫu thuật, những bệnh nhân xoắn tinh hoàn tạm thời, xoắn mấu phụ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn và xoắn tinh hoàn ở trẻ em nhũ nhi bị loại khỏi danh sách nghiên cứu.
Các số liệu liên quan đến tuổi của bệnh nhân, thời gian đến khám bệnh, các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng khi bệnh nhân đến khám, kết quả siêu âm, kết quả phẫu thuật và giải phẫu bệnh được thu thập, xử lí theo phương pháp thống kê y học sử dụng phần mềm SPSS 13.00. Xác định tỉ lệ phần trăm theo nhóm tuổi, triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, kết quả của siêu âm, độ chính xác của chẩn đoán tiêu bản giải phẫu bệnh. Tính giá trị trung bình tuổi của bệnh nhân và thời gian đến khám bệnh.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích