XUẤT HUYẾT NÃO DO DỊ DẠNG MẠCH Ở TRẺ SƠ SINH-BÁO CÁO CA BỆNH
XUẤT HUYẾT NÃO DO DỊ DẠNG MẠCH Ở TRẺ SƠ SINH-BÁO CÁO CA BỆNH
Đỗ Thanh Hương1, Lê Đình Công2, Đào Thị Nguyệt1
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện Nhi Trung Ương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Xuất huyết não do dị dạng mạch hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và có thể bị bỏ sót do triệu chứng lâm sàng tương tự với xuất huyết não do các nguyên nhân khác. Chúng tôi báo cáo trường hợp trẻ sơ sinh đủ tháng vào viện vì co giật, li bì, da nhợt và được chẩn đoán ban đầu xuất huyết não do thiếu vitamin K. Phân tích kết quả xét nghiệm chúng tôi thấy tăng fibrinogen không phù hợp với nguyên nhân thiếu Vitamin K mà có thể do vỡ dị dạng mạch. Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang từ và đã phát hiện được dị dạng mạch trong vùng xuất huyết não. Sau đó bệnh nhân được chụp mạch não số hoá xoá nền xác định khối dị dạng thông động tĩnh mạch não vùng trán phải, đã tiến hành nút tắc khối dị dạng thành công. Như vậy, xuất huyết não do dị dạng mạch mặc dù hiếm gặp ở trẻ sơ sinh nhưng các bác sỹ lâm sàng cần thăm khám lâm sàng và phân tích kỹ các xét nghiệm cận lâm sàng để giúp chẩn đoán bệnh, từ đó có chỉ định điều trị phù hợp.
Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh đủ tháng ít gặp nhưng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bệnh nặng và tử vong. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là thở chậm, ngừng thở, co giật và li bì [1]. Các nguyên nhân dẫn đến xuất huyết não ở trẻ sơ sinh đủ tháng bao gồm: thiếu vitammin K, nhiễm trùng, chấn thương, do gen, khối u, dị dạng mạch, … [2]. Trong đó, xuất huyết não do thiếu Vitamin K là nguyên nhân hay gặp và có thể dự phòngđược còn xuất huyết não do dị dạng mạch não (brain Arteriovenous Malformations -bAVM) là nguyên nhân ít gặp hơn. bAVM là những bất thường phát triển hệ thống mạch máu não, gồm đám mạch máu kém phát triển và các động mạch nuôi nối trực tiếp với các tĩnh mạch dẫn lưu, không qua hệ thống mao mạch [3]. Tỉ lệ mắc bAVM cao nhất từ 20 –40 tuổi, hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Các bAVM ở trẻ em ít khi được chẩn đoán nhưng tỉ lệ vỡ cao hơn ở người lớn do hầu hết chúng được phát hiện sau khi vỡ [4]. Sinh lý bệnh của bAVM có thể do sự kết hợp của yếu tố gen và môi trường. Triệu chứng lâm sàng xuất huyết não do vỡ bAVM thường diễn biến cấp tính với biểu hiện li bì, bỏ bú, co giật, da nhợt, giảm trương lực cơ toàn thân,… Chẩn đoán bệnh thường không khó, tuy nhiên chẩn đoán nguyên nhân có thể bỏ sót, đặc biệt với các trường hợp phối hợp nhiều nguyên nhân. Chúng tôi báo cáo trường hợp trẻ sơ sinh nữ 17 ngày tuổi vào viện với triệu chứng co giật, da nhợt, được chẩn đoán ban đầu xuất huyết não do thiếu vitamin K ở bệnh viện tỉnh,sau đó được chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây chúng tôi phân tích kỹ các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và nghi ngờ có nguyên nhân khác gây xuất huyết não. Chúng tôi chỉ định chụp cộng hưởng từ (CHT) sọ não –mạch não có tiêm thuốc đối quang từ và phát hiện khối dị dạng mạch não ở vùng xuất huyết. Sau đó bệnh nhân được chụp mạch não số hoá xoá nền (Digital Subtraction Angiography -DSA), xác định có khối dị dạng thông động tĩnh mạch vùng trán phải, đã tiến hành nút tắc khối dị dạng thành công.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com