YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TỬ VONG Ở TRẺ SƠ SINH DỊ TẬT TEO HỖNG-HỒI TRÀNG TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2
YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TỬ VONG Ở TRẺ SƠ SINH DỊ TẬT TEO HỖNG-HỒI TRÀNG TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2
Giang Trần Phương Linh*, Võ Thị Thật*, Phạm Diệp Thùy Dương**
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Teo hỗng-hồi tràng là một dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa. Dù có những sự tiến bộ trong điều trị, tỉ lệ tử vong vẫn còn cao.
Mục tiêu: Xác định các yếu tố liên quan đến tử vong ở những trường hợp teo hỗng-hồi tràng tại bệnh viện Nhi Đồng 2.
Phương pháp nghiên cứu: Cắt ngang mô tả những trường hợp trẻ sơ sinh đã được chẩn đoán xác định teo hỗng-hồi tràng qua phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ tháng 4/2012 đến tháng 4/2018.
Kết quả: Nghiên cứu có 155 trường hợp teo hỗng-hồi tràng. Tuổi thai trung bình là 36,9 ± 2,8 tuần và cân nặng lúc sinh trung bình là 2705 ± 614,3g. Teo hỗng-hồi tràng thường gặp ở loại IV (33,5%), tiếp theo lần lượt là loại IIIa (32,9%), loại I (18,1%), loại IIIb (9,7%) và loại II (5,8%). Các biến chứng liên quan đến phẫu thuật thường gặp bao gồm: chậm hoạt động miệng nối (23,9%) và hội chứng ruột ngắn (5,1%). Các biến chứng khác là nhiễm trùng huyết (67,7%), viêm phổi (18,7%) và cấy máu dương tính (31,1%). Tỉ lệ tử vong là 17,4%. Phân tích đa biến hồi quy Poisson cho thấy các biến chứng như hội chứng ruột ngắn, biến chứng chậm hoạt động miệng nối, cấy máu dương tính, dị tật đường tiêu hóa khác kèm theo và viêm phổi có liên quan đến tử vong ở dị tật teo hỗng-hồi tràng với PR hiệu chỉnh lần lượt là 4,9; 3,1; 3,1; 2,1 và 1,9.
Kết luận: Hội chứng ruột ngắn và chậm hoạt động miệng nối là các biến chứng làm tăng tỉ lệ tử vong ở dị tật teo hỗng-hồi tràng.
YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TỬ VONG Ở TRẺ SƠ SINH DỊ TẬT TEO HỖNG-HỒI TRÀNG TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2