YẾU TỐ LIÊN QUAN VỚI GIẢM OXY MÁU ĐỘNG MẠCH SAU MỔ TRÊN BỆNH NHÂN ĐƯỢC PHẪU THUẬT Ổ BỤNG

YẾU TỐ LIÊN QUAN VỚI GIẢM OXY MÁU ĐỘNG MẠCH SAU MỔ TRÊN BỆNH NHÂN ĐƯỢC PHẪU THUẬT Ổ BỤNG

Giảm oxy máu động mạch là hậu quả của nhiều nguyên nhân đặc biệt là thay đổi thông khí cơ học, đau, rối loạn vận động cơ hoành sau phẫu thuật nói chung và phẫu thuật ổ bụng nói riêng. Đây là triệu chứng sớm của biến chứng hô hấp sau mổ, gây ra nhiều phiền nạn cho bệnh nhân, kéo dài thời gian nằm viện, thậm chí tử vong. Nghiên cứu nhằm xác định một số yếu tố liên quan với giảm oxy máu động mạch sau mổ trên bệnh nhân được phẫu thuật ổ bụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy 114 bệnh nhân, 61 nam (53,5%) và 53 nữ (46,5%), 28,9% số bệnh nhân > 60 tuổi, ASA < 2. Các yếu tố nguy cơ của giảm oxy máu là: chỉ số BMI > 25 (OR: 4.67, 95% CI:1,16 – 18,78), thời gian gây mê > 3h (OR: 3.56, 95% CI: 1,21 – 10,47), AaƠ2 trước mổ > 20 (OR: 3.9, 95% CI: 1,34 – 11,32), chỉ số Tiffeneau < 75 % (OR: 5.01, 95% CI: 1,68 – 14,91) và tuổi > 60 (OR: 3.52, 95% CI: 1,22 – 10,17). Chỉ có 3 yếu tố nguy cơ độc lập là chỉ số BMI > 25 (OR: 5.86, 95% CI: 1,15 – 29,80), thời gian gây mê > 3h (OR: 3.39, 95% CI: 1,02-11,16) và AaO2 trước mổ > 20 (OR: 4.01, 95% CI: 1,24 – 13,52). Yếu tố nguy cơ độc lập của giảm oxy sau phẫu thuật ổ bụng là thời gian gây mê > 3h, chỉ số BMI > 25 và AaO2 > 20.

Biến chứng hô hấp sau mổ là một bệnh cảnh thường gặp với tỷ lệ 10 – 60% và có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào từng tiêu chuẩn chẩn đoán [3]. Một chức năng quan trọng của bộ máy hô hấp là duy trì được sự trao đổi oxy và thải trừ CO2 cả khi bình thường và khi gắng sức. Các biến chứng hô hấp sau mổ dù ở dạng nào thì kết quả đều gây ra giảm oxy máu động mạch, thiếu oxy các cơ quan và phần lớn là nguyên nhân gây thất bại của một ca mổ. Chi phí điều trị, thời gian nằm viện, tỷ lệ tử vong liên quan đến sự xuất hiện biến chứng hô hấp sau phẫu thuật rất cao thậm chí còn cao hơn so với biến chứng tim mạch [1].

Ảnh hưởng của phẫu thuật lồng ngực lên chức năng hô hấp sau mổ là hiển nhiên vì nó tác động trực tiếp lên sự toàn vẹn của lồng ngực, nhu mô phổi do bản thân phẫu thuật hay tuần hoàn ngoài cơ thể. Tuy nhiên ảnh hưởng của phẫu thuật ổ bụng lên chức năng hô hấp chưa hoàn toàn biết rõ, ngoài tác động dễ thấy của các thuốc gây mê toàn thân, của thời gian phẫu thuật kéo dài, rối loạn nước điện giải, đau sau mổ… thì các yếu tố khác như rối loạn vận động của cơ hoành vẫn chưa được tìm hiểu kỹ.

Hàng năm trên thế giới cũng như tại Việt Nam số bệnh nhân được phẫu thuật ổ bụng đặc biệt là phẫu thuật vùng trên rốn ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ cao trên tổng số bệnh nhân được phẫu thuật. Nếu những bệnh nhân này không được theo dõi, phát hiện, dự phòng và kiểm soát sớm thì dấu hiệu giảm oxy máu (phản ánh gián tiếp có biến chứng hô hấp sau mổ) sẽ gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân, như thời gian thở máy kéo dài, tăng tỷ lệ tử vong. Thời gian gần đây nhiều tác giả tập trung nghiên cứu các yếu tố nguy cơ trước mổ, trong mổ và sau mổ để tiên lượng sự xuất hiện triệu chứng giảm oxy máu động mạch ở các mức độ khác nhau để từ đó đề ra các chiến lược dự phòng cho bệnh nhân. Tuy nhiên theo kinh nghiệm lâm sàng và đánh giá của nhiều tác giả khác thì mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ với tình trạng giảm oxy máu động mạch còn chưa thực sự thống nhất bởi có lẽ đây là mối liên quan đa nhân tố.

Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu: Xác định một số yếu tố liên quan với thiếu oxy máu động mạch sau mổ trên bệnh nhân được phẫu thuật ổ bụng.

 

 

Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất

Leave a Comment