CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA SINH VIÊN VIỆN ĐÀO TẠO Y HỌC DỰ PHÒNG VÀ Y TẾ CÔNG CỘNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA SINH VIÊN VIỆN ĐÀO TẠO Y HỌC DỰ PHÒNG VÀ Y TẾ CÔNG CỘNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Vũ Minh Tuấn1,, Phùng Chí Ninh2, Hoàng Việt Hưng2, Nguyễn Hồng Uyên 2, Lê Huyền Trang3, Thân Thu Hoài1
Một nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 545 sinh viên Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng tại Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022 nhằm đánh giá thực trạng chất lượng cuộc sống của sinh viên Y và một số yếu tố liên quan dựa vào bộ công cụ EQ-5D-5L. Kết quả cho thấy chỉ số EQ-5D trung bình của sinh viên là 0,934 (SD = ±0,08) và 68,81 % sinh viên có điểm chất lượng cuộc sống đạt mức tốt. Các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của sinh viên là: năm học, xếp loại học tập, điều kiện kinh tế, tình trạng mắc bệnh mạn tính.
Hiện nay, sự đổi mới giáo dục đi liền với phát triển kinh tế, công nghệ số dẫn đến xu hướng nhiều cơ sở đào tạo bắt đầu thay đổi phương pháp dạy và học hướng nhiều hơn đến cách học chủ động, sáng tạo, tự tìm tòi, hay nói cách khác là lấy người học làm trung tâm. Lẽ dĩ nhiên, để có được kết quả tốt trong học tập đồng thời phản ánh chất lượng giáo dục đi lên thì yếu tố chủ quan đến từ phía các học sinh, sinh viên chiếm một tầm ảnh hưởng rất lớn. Trong đó chất lượng cuộc sống –một khái niệm bao hàm sức khỏe toàn diện của con người luôn đóng vai trò quan trọng và cần thiết được quan tâm.Chất lượng cuộc sống (CLCS) bao gồm các lĩnh vực liên quan đến hoạt động thể chất, tinh thần, cảm xúc và xã hội.Đây là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống, không chỉ đối với những người bệnh mà cả những người khỏe mạnh ở các độ tuổi. Riêng ở các trường đại học, CLCS của sinh viên luôn là vấn đề được quan tâm. Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá CLCS của đối tượng là sinh viên được thực hiện ở nhiều quốc gia và ở Việt Nam, trong đó chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến CLCS như các yếu tố nhân khẩu học, yếu tố xã hội, tình trạng sức khoẻ, hành vi sức khoẻ,… [1],[2]. Sinh viên đa số ở độ tuổi thanh niên trẻ, vừa qua lứa tuổi vị thành niên, và phải đối mặt với những vấn đề đặc thù ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày. Trong nhóm đối tượng sinh viên thì sinh viên Y nổi bật lên là những người theo học tại cơ sở đào tạo luôn được đánh giá có khối lượng kiến thức lớn, tính cạnh tranh cao, nhiều áp lực và có thể gặp phải các nguy cơ dẫn đến chất lượng cuộc sống kém hơn so với các đối tượng khác [3]. Có 17,7% sinh viên năm thứ tư tại Đại học Dược Hà Nội có chất lượng cuộc sống chưa tốt [4]. Trong khi nghiên cứu trên đối tượng sinh viên Y học dự phòng của tác giả Đinh Thị Thùy Linh và cộng sự sử dụng bộ công cụ EQ-5D đã đưa đến kết quả 44,4% sinh viên có từ một khía cạnh CLCS không tốt trở lên [5].Công tác chăm sóc, quan tâm đến CLCS của sinh viên là rất quan trọng. Tại Trường Đại học Y Hà Nội –ngôi trường đào tạo Y khoa đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, với khối lượng sinh viên lớn đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, việc liên tục nghiêncứu và nâng cao chất lượng đào tạo lại càng quan trọng hơn. Vì vậy, đề tài nghiên cứu này được thực hiện nhằm cung cấp thông tin để xây dựng các chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm sức khỏe cho sinh viên Đại học Y Hà Nội nói chung và sinh viên Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nói riêng, và hướng đến một chiến lược can thiệp và dự phòng dài hạn cho những thế hệ sinh viên tiếp sau. Đề tài Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu mô tả CLCS của sinh viên Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022 và một số yếu tố liên quan.
https://thuvieny.com/chat-luong-cuoc-song-cua-sinh-vien-vien-dao-tao-y-hoc-du-phong/