Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay

Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay

Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Ngày nay bất cứ quốc gia nào cũng nhận thức rõ nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội của mình, trong đó chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong tiến trình phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, sự phân công lao động xã hội trong khu vực và trên thế giới diễn ra mạnh mẽ, sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt hơn, thế mạnh có hiệu quả nhất trong cuộc cạnh tranh này là phát huy tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Bởi vậy, chỉ có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì mới có thể tận dụng tối đa những cơ hội của toàn cầu hoá để phát triển đất nước một cách toàn diện.

Việt Nam đang tiến hành đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức (theo tinh thần của Đại hội X – 2006). Đặc trưng của quá trình này đặt ra một yêu cầu khách quan là phải không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là gia tăng nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, trên cơ sở tiếp tục phát triển những quan điểm đúng đắn của các Đại hội trước đây, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định:
“Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt coi trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên
 
gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở lao động và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức” [12, tr.13].
Có thể nói, trong các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX, X và XI Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhất quán quan điểm coi con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu cao nhất của chế độ ta, coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát triển nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc CNH, HĐH. Việc không ngừng nâng cao chất lượng đời sống về vật chất và tinh thần cho người dân là mục tiêu thường xuyên và lâu dài của Đảng và Nhà nước ta, coi giáo dục và bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực là động lực mạnh mẽ, quyết định tới sự phát triển phồn thịnh của đất nước. Thực tiễn ở nước ta đã chứng tỏ rằng nguồn lực con người giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế nước ta đang có những bước chuyển dịch từ các ngành nông nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là rất cấp bách. Vì vậy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở nước ta hiện nay nhằm biến nguồn nhân lực thực sự trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Vĩnh Phúc được tách ra tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú vào năm 1997, so với nhiều tỉnh thành trong cả nước thì Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã xây dựng
 
nhiều chính sách hợp lý nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Song nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, trình độ phát triển chưa đồng đều, việc quản lí, sử dụng và phân bố nguồn nhân lực trong các vùng, ngành chưa hợp lý, chưa tận dụng và phát huy hết được tiềm năng và lợi thế của nguồn nhân lực. Do vậy, cùng với quá trình đất nước đang đẩy mạnh CNH, HĐH, thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra cả về mặt lý luận và thực tiễn. Với ý nghĩa như vậy, chúng tôi chọn vấn đề “Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay” làm đề tài luận văn thạc sĩ Triết học, chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học.
2.    Tình hình nghiên cứu
Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đã được các quốc gia trên thế giới rất quan tâm, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Hiện nay, với xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, việc kết hợp phát triển nguồn nội lực bên trong và những cơ hội phát triển từ nguồn lực bên ngoài là điều khiến nhiều công trình khoa học đi sâu tìm tòi nghiên cứu, nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp nhất để phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển của đất nước, khắc phục tình trạng tụt hậu về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Trong những năm gần đây, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề được nghiên cứu ở những góc độ và mức độ khác nhau, nhiều công trình đã nghiên cứu một cách có hệ thống các vấn đề nhân tố con người, nguồn lực con người, về giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đáng chú ý là những công trình sau:
– Bùi Thị Ngọc Lan: “Một số bổ sung, phát triển trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam”… Tạp chí Lý luận chính trị, số 2/2007,  tr.66-
70.    Bài viết đã nghiên cứu một cách hệ thống những quan điểm cơ bản của Đảng Cộng Sản Việt Nam về nguồn nhân lực qua các kỳ Đại hội; Làm rõ cơ
 
sở lý luận của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần của Đại hội X (2006).
–    Trần Văn Tùng, Lê Ái Lâm, Phát triển nguồn nhân lực – kinh nghiệm thế giới và thực tiễn nước ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996. Công trình đã phân tích nền kinh tế Việt Nam trong quá trình đổi mới, đồng thời nêu lên vai trò của nguồn nhân lực trong quá trình đổi mới, chính sách phát triển nguồn nhân lực của một số nước trên thế giới và Việt Nam, mức độ phát triển nguồn nhân lực hiện nay.
–    TS. Phạm Công Nhất, Phát huy nhân tố con người trong phát triển lực lượng sản xuất hiện nay (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007. Cuốn sách đã phân tích vai trò của nhân tố con người trong phát triển lực lượng sản xuất, đánh giá thực trạng trong phát huy nhân tố con người ở nước ta hiện nay. Từ đó đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển lực lượng sản xuất.
–    Vũ Ngọc Hải (2004), “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để đẩy mạnh CNH, HĐH và xây dựng nền kinh tế tri thức”, Tạp chí giáo dục, (06).Trong cuốn sách này, tác giả đã đề cập vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, nhấn mạnh vai trò của giáo dục và đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực ở nước ta, qua đó đề xuất một số giải pháp để phát triển nguồn nhân lực.
–    Nguyễn Hữu Dũng (2003), Sử dụng hiệu quả nguồn lực con người ở Việt Nam, Nxb. Lao động – Xã hội, Hà Nội.
–    GS. Lê Hữu Tầng với Đề tài KX-07-13, Về một số động lực phát triển kinh tế- xã hội hiện nay. Các tác giả đã phân tích một số động lực để phát triển kinh tế – xã hội, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn lực con người.
–    TS. Phạm Công Nhất, “Đổi mới tư duy giáo dục để phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện Việt nam hội nhập quốc tế hiện nay”, Tạp chí Khoa giáo, số 11. Tác giả đã phân tích thực trạng nền giáo dục ở nước ta, từ đó đề cập những giải pháp đổi mới tư duy giáo dục để phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế hiện nay.
 
–    Và các công trình khoa học: “Nâng cao chất lượngnguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế”, Tạp chí Cộng sản, số 786.
–    Tác giả Lan Hương với bài: “Việt Nam đang thiếu nhân lực có chất lượng cao”, Dân trí. Com.vn/7/2008.
–    PGS.TS Bùi Thị Ngọc Lan, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế tri thức (Kỷ yếu Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2010).
–    Vũ Thị Phương Mai, Phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay, Luận văn thạc sỹ (2004).
–    Lê Xuân Đăng (2008), “Đào tạo lao động kỹ thuật cao cho doanh nghiệp”, Báo Vĩnh Phúc, (17).
Các tác giả đã tập trung nghiên cứu một cách sâu sắc, và đề ra những giải pháp phù hợp nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực con người Việt Nam. Nhưng vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Vĩnh Phúc, thì chưa có một công trình nào đề cập đến một cách có hệ thống. Bởi vậy, trong luận văn này, tác giả mong muốn được tiếp tục nghiên cứu, phân tích và đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình CNH, HĐH hiện nay. Nhằm đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương, giúp cho công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐH ở Vĩnh Phúc.
3.    Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
*    Mục đích của luận văn là: trên cơ sở phân tích thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần có hiệu quả việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn hiện nay.
*    Luận văn tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:
 
Một là, làm rõ quan điểm về nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực và tính tất yếu của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Hai là, phân tích thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
Ba là, đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH ở tỉnh Vĩnh phúc hiện nay.
4.    Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
5.    Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
–    Cơ sở lý luận của luận văn là hệ thống các quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nguồn nhân lực trong quá trình phát triển đất nước.
–    Luận văn sử dụng hệ thống các phương pháp nghiên cứu của triết học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, các phương pháp nghiên cứu chung như phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh; các phương pháp đặc thù như: thống kê và thu thập số liệu, điều tra xã hội học, v.v..
6.    Cái mới và những đóng góp về mặt khoa học của luận văn
–    Làm rõ vai trò của chất lượng nguồn nhân lực đối với sự nghiệp CNH, HĐH ở nước ta hiện nay nói chung, ở tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
–    Đề xuất được một hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
–    Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị trong các nhà trường. Đồng thời luận văn cũng có thể là tài liệu tham khảo cho lãnh đạo các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Phúc để hoạch định những chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH.
7.    Kết cấu của luận văn
 
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và mục lục, luận văn được kết cấu gồm 3 chương, 6 tiết:
Chương 1: Chất lượng nguồn nhân lực và những yêu cầu đặt ra cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Chương 2: Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra.
Chương 3: Những quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Vĩnh Phúc hiện nay.

Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay

Leave a Comment