Combilipid Peri®

Combilipid Peri®

Combilipid Peri®

Tên gốc: túi 3 ngăn chứa: nhũ tương chất béo (20%), dung dịch axit amino và chất điện giải (11.3%), dung dịch glucose (11%).

Tên biệt dược: Combilipid Peri®

Phân nhóm: sản phẩm dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Combilipid Peri® là gì?

Thuốc Combilipid Peri® thường được dùng để cung cấp chất dinh dưỡng khi dinh dưỡng đường tiêu hóa không dùng được, khiếm khuyết hoặc chống chỉ định.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Combilipid Peri® cho người lớn như thế nào?

Bạn sẽ được dùng liều 0,7 đến 1 g axit amin/kg mỗi ngày, tổng năng lượng từ 27 đến 40 ml/kg mỗi ngày (béo phì: dựa vào cân nặng lý tưởng của bệnh nhân).

Liều dùng thuốc Combilipid Peri® cho trẻ em như thế nào?

  • Trẻ trên 10 tuổi sẽ được dùng liều tương tự như người lớn;
  • Trẻ từ 2 đến 10 tuổi sẽ được bắt đầu với liều 14 đến 28 ml/kg mỗi ngày, sau đó tăng 10 đến 15 ml/kg mỗi ngày đến tối đa 40 ml/kg mỗi ngày.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Combilipid Peri® như thế nào?

Bạn phải đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về bất kì điều gì bạn không rõ liên quan đến việc dùng thuốc.

Tốc độ truyền không quá 3,7 ml/kg mỗi giờ, khoảng cách 2 lần truyền từng túi riêng là 12 đến 24 giờ. Liều tối đa tùy tình trạng bệnh và ngày điều trị.

Bạn phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được dùng nhiều hơn hoặc ít hơn so với liều chỉ định, không được tự ý ngưng thuốc nếu không có sự cho phép của bác sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Triệu chứng quá liều bao gồm: buồn nôn, vã mồ hôi, thừa nước trong cơ thể, mất thăng bằng điện giải, tăng đường huyết và tăng áp suất thẩm thấu máu.

Cách xử trí: khi xuất hiện triệu chứng quá liều, nhân viên y tế cần phải giảm tốc độ truyền hoặc ngừng truyền ngay. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bạn có thể cần phải thẩm phân, lọc hoặc siêu lọc máu nếu cần.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Vì bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế sẽ chỉ định và theo dõi quá trình bạn sử dụng thuốc, trường hợp quên liều khó có thể xảy ra.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Combilipid Peri®?

Thuốc Combilipid Peri® có thể gây một số tác dụng phụ bao gồm:

  • Tăng thân nhiệt;
  • Run rẩy, ớn lạnh;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Tăng enzyme gan thoáng qua;
  • Viêm tắc tĩnh mạch huyết khối có thể xuất hiện khi sử dụng qua đường tĩnh mạch ngoại vi;
  • Phản ứng quá mẫn như dị ứng, phát ban da, nổi mề đay;
  • Triệu chứng trên đường thở như thở gấp, tăng và hạ huyết áp;
  • Hội chứng tan huyết;
  • Tăng sinh hồng cầu non;
  • Đau bụng;
  • Mệt mỏi;
  • Đau đầu;
  • Cường dương;
  • Tăng lipid máu toàn phần;
  • Sốt cao;
  • Phì đại gan và lách;
  • Thiếu máu;
  • Giảm bạch cầu;
  • Giảm tiểu cầu;
  • Giảm yếu tố đông máu;
  • Hôn mê.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Combilipid Peri® bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc Combilipid Peri® bạn nên lưu ý:

  • Bác sĩ cần theo dõi khả năng chuyển hóa chất béo ở bệnh nhân, theo dõi liên tục bằng cách đo nồng độ triglyceride sau mỗi khoảng thời gian giải phóng chất béo là 5 đến 6 giờ;
  • Nồng độ triglyceride không được vượt quá 3 mmol/l trong suốt quá trình tiêm truyền;
  • Bác sĩ nên thận trọng khi lựa chọn loại túi, thể tích và các thành phần các chất. Đối với trẻ em, thể tích truyền có thể điều chỉnh theo tình trạng dinh dưỡng và chuyển hóa. Mỗi túi sau khi trộn chỉ được dùng 1 lần;
  • Bạn cần được điều chỉnh các rối loạn cân bằng nước và điện giải trước khi bắt đầu tiêm truyền;
  • Bạn cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lâm sàng trong giai đoạn bắt đầu tiêm truyền. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bạn phải ngừng truyền ngay. Nhằm tránh nhiễm khuẩn do việc truyền tĩnh mạch trung tâm, bạn cần tuân thủ khuyến cáo về nhiễm khuẩn để tránh nhiễm chéo khi thao tác với kim truyền tĩnh mạch;
  • Bác sĩ cần thận trọng khi dùng thuốc này cho những bệnh nhân chuyển hóa chất béo kém như suy thận, đái tháo đường mất bù, viêm tụy cấp, thiểu năng chức năng gan, thiểu năng tuyến giáp (cùng với tăng triglyceride máu) hoặc nhiễm trùng. Nếu phải sử dụng thuốc này cho những bệnh nhân có các bệnh lý này, bắt buộc phải theo dõi chặt chẽ nồng độ triglyceride trong huyết tương;
  • Bạn cũng nên được thường xuyên theo dõi nồng độ glucose, các chất điện giải và áp suất thẩm thấu, cân bằng nước, cân bằng axit – base và chỉ số enzyme gan trong máu;
  • Nên theo dõi công thức máu và thời gian đông máu khi tiêm truyền chất béo dài ngày;
  • Với bệnh nhân suy thận, cần kiểm soát chặt chẽ nồng độ photphat và kali trong máu;
  • Nhũ tương này không chứa các vitamin và nguyên tố vi lượng nên vẫn cần phải bổ sung các chất này từ các nguồn khác;
  • Thận trọng khi cung cấp dinh dưỡng qua tĩnh mạch ở bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa (do axit lactic), tăng áp suất thẩm thấu hoặc các trường hợp mất cân bằng nước chưa được điều chỉnh;
  • Thận trọng khi dùng thuốc này ở những bệnh nhân có xu hướng thừa chất điện giải;
  • Phải lập tức ngừng truyền khi có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào của phản ứng quá mẫn;
  • Chất béo trong thành phần của thuốc này có thể cản trở các xét nghiệm thông thường như xét nghiệm bilirubin, LDH, oxy bão hòa, hemoglobin nếu lấy máu trước khi chất béo được giải phóng hoàn toàn. Thời gian chất béo giải phóng hoàn toàn khỏi máu ở hầu hết các bệnh nhân là 5 đến 6 tiếng;
  • Thuốc này có chứa dầu đậu nành và phospholipid của trứng, là thành phần có thể gây ra phản ứng dị ứng như dị ứng chéo;
  • Theo dõi và bổ sung nguyên tố vi lượng khi truyền dinh dưỡng dài ngày;
  • Ở bệnh nhân suy dinh dưỡng, ban đầu truyền tĩnh mạch có thể gây giữ nước luân phiên, dẫn đến phù phổi cấp và suy tim xung huyết. Hơn nữa, việc giảm nồng độ kali, photpho, magie và các vitamin tan trong nước có thể xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ đầu. Vì vậy, bạn cần hết sức thận trọng và tiến hành chậm khi bắt đầu truyền, đồng thời theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh lượng nước, chất điện giải, vitamin và khoáng chất một cách hợp lý;
  • Không nên truyền thuốc này đồng thời hoặc trên cùng một bộ truyền với máu và các chế phẩm từ máu;
  • Với bệnh nhân đái tháo đường, có thể phải dùng thêm insulin từ bên ngoài;
  • Khi dịch truyền là chất dinh dưỡng, dùng tĩnh mạch ngoại vi có thể xuất hiện viêm tắc tĩnh mạch huyết khối. Có một số yếu tố có thể dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch huyết khối như: loại kim luồn, đường kính và chiều dài của nó, thời gian tiêm truyền, pH và áp suất thẩm thấu của dịch truyền, tình trạng nhiễm trùng và số lượng đường truyền. Điều này dẫn đến việc một số vị trí tĩnh mạch sử dụng phương pháp tiêm truyền chất dinh dưỡng không nên truyền thuốc hoặc dung dịch khác.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc cho những trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Bạn chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết hoặc khi lợi ích của việc dùng thuốc được xác định cao hơn nguy cơ.

Tương tác thuốc

Thuốc Combilipid Peri® có thể tương tác với thuốc nào?

Thuốc này có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Thuốc này có thể tương tác với một số thuốc khi dùng chung, bao gồm:

  • Heparin;
  • Insulin;
  • Thuốc chống đông như coumarin.

Thuốc Combilipid Peri® có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá. Bạn không nên uống rượu trong thời gian dùng thuốc. Bạn cần thận trọng khi dùng thuốc này với các thực phẩm.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Combilipid Peri®?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Mẫn cảm với protein từ trứng, lạc, đậu nành hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc;
  • Tăng lipid máu nặng;
  • Suy gan nặng;
  • Thiểu năng đông máu nặng;
  • Rối loạn chuyển hóa axit amin bẩm sinh;
  • Suy thận nặng không kèm thẩm phân máu;
  • Sốc cấp tính;
  • Tăng đường huyết với nhu cầu lớn hơn 6 đơn vị insulin mỗi giờ;
  • Bệnh lý tăng nồng độ trong máu của một số chất điện giải có trong thành phần của thuốc;
  • Chống chỉ định chung với tiêm truyền tĩnh mạch như phù phổi cấp, suy tim tăng nước mất bù, mất nước nhược trương;
  • Hội chứng tăng sinh bạch cầu;
  • Tình trạng không ổn định như sau chấn thương nặng, đái tháo đường mất bù, nhồi máu cơ tim nặng, nhiễm toan chuyển hóa, nhiễm trùng nặng và hôn mê do tăng bất thường nồng độ các chất trong huyết tương;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Combilipid Peri® như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc Combilipid Peri® ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Bạn không nên bảo quản thuốc trong phòng tắm. Bạn không nên bảo quản thuốc trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Bạn hãy giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Bạn hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Dạng bào chế

Thuốc Combilipid Peri® có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc Combilipid Peri® có dạng nhũ tương tiêm truyền tĩnh mạch ngoại vi, túi 1440 ml và 1920 ml, có 3 ngăn.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Combilipid Peri. http://www.mims.com/vietnam/drug/info/combilipid%20peri/combilipid%20peri%20injection?type=vidal#Overdosage. Ngày truy cập 27/2/2017

Combilipid Peri. http://www.benhhoc.com/thuoc/2308-Combilipid-peri-injection.html. Ngày truy cập 27/2/2017



Chuyên mục: Thông tin thuốc

Nguồn: hellobacsi.com

Leave a Comment