ĐẶC ĐIỂM CÁC BIẾN CHỨNG VÀ TỶ LỆ TỬ VONG TRÊN TRẺ TEO ĐƯỜNG MẬT BẨM SINH SAU PHẪU THUẬT KASAI TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2 TỪ NĂM 2012 ĐẾN 2018
ĐẶC ĐIỂM CÁC BIẾN CHỨNG VÀ TỶ LỆ TỬ VONG TRÊN TRẺ TEO ĐƯỜNG MẬT BẨM SINH SAU PHẪU THUẬT KASAI TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2 TỪ NĂM 2012 ĐẾN 2018.
Đặng Trần Hoàng Oanh*, Nguyễn Trọng Trí*, Bùi Quang Vinh*
TÓM TẮT :
Mở đầu: Teo đường mật bẩm sinh sau mổ Kasai vẫn còn nhiều biến chứng và có tỷ lệ tử vong cao.
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm của các biến chứng và xác định tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật Kasai trên bệnh nhân teo đường mật bẩm sinh.
Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế hàng loạt ca, hồi cứu kết hợp tiến cứu các trường hợp teo đường mật bẩm sinh được phẫu thuật Kasai tại bệnh viện Nhi Đồng 2 từ tháng 1/2012 tới tháng 6/2018. Các biến số chính là: các biến chứng và tử vong.
Kết quả: Tổng số 139 bệnh nhân có tuổi lúc mổ Kasai 78,1±21,7 ngày tuổi, tuổi lúc khám cuối cùng 25,7(12,7-45,4) tháng tuổi, nữ 62,6%. Có 70,5% bệnh nhân có biến chứng với 273 lần nhập viện. Biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng đường mật 64,0% bệnh nhân, tăng áp cửa 46,8%, xuất huyết tiêu hóa trên do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản 12,2%. Tử vong 20,9% với tuổi trung vị 22,3 tháng. Không ghi nhận có mối tương quan giữa tử vong với các yếu tố tuổi khi mổ Kasai, kết quả xơ hóa hoặc xơ gan trên giải phẫu bệnh.
Kết luận: Bệnh nhân teo đường mật bẩm sinh sau phẫu thuật Kasai có tỷ lệ mắc biến chứng cao 70,5%, tử vong 20,9% lúc 22,3 tháng.
Teo đường mật bẩm sinh (TĐMBS) là quá trình viêm tiến triển của đường mật ngoài gan dẫn tới xơ hóa, tắc nghẽn các ống dẫn mật và xơ gan ứ mật(4). Đây là một bệnh lý hiếm gặp tuy nhiên lại là nguyên nhân thường gặp nhất gây vàng da ứ mật ở sơ sinh cần phải phẫu thuật, và cũng là nguyên nhân lớn nhất đưa đến chỉ định ghép gan cho trẻ em(5). Phẫu thuật Kasai giúp trẻ được lưu thông mật trong thời gian chờ ghép gan. Tuy vậy, sau phẫu thuật Kasai bệnh nhân thường đối mặt với nhiều biến chứng. Các biến chứng này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tiên lượng sống còn của trẻ.