Đặc điểm các hình ảnh bất thường trên phim X-quang phổi và một số yếu tố liên quan của người lao động
Đặc điểm các hình ảnh bất thường trên phim X-quang phổi và một số yếu tố liên quan của người lao động tiếp xúc với bụi silic tại Phú Yên năm 2020
Lê Thị Thanh Xuân, Lê Thị Hương, Khương Văn Duy, Nguyễn Ngọc Anh, Phạm Thị Quân, Nguyễn Thanh Thảo, Nguyễn Quốc Doanh, Phan Thị Mai Hương, Tạ Thị Kim Nhung
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Việc tiếp xúc với bụi silic trong môi trường lao động làm tăng nguy cơ xuất hiện các tổn thương trên phim X-quang ngực thẳng. Nghiên cứu cắt ngang được tiến hành trên 220 người lao động tiếp xúc trực tiếp với bụi silic nhằm mô tả các hình ảnh tổn thương trên phim X-quang và một số yếu tố liên quan của người lao động tiếp xúc trực tiếp với bụi silic ở một số cơ sở sản xuất tỉnh Phú Yên năm 2020. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ người lao động có tổn thương đám mờ gợi ý chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi silic là 1,8%. Các tổn thương nhu mô phổi trên phim X-quang mà người lao động gặp phải đa số là thể nhẹ. Trong đó, tổn thương đám mờ nhỏ có mật độ 1/1 chiếm đa số với 75,0%. 100% các đám mờ nhỏ trên phim X-quang đều có kích thước loại p/p. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tình trạng có tổn thương đám mờ trên phim X-quang với tuổi đời của người lao động (p < 0,05). Cần có các biện pháp phòng ngừa tác hại của bụi silic, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động ở Phú Yên.
Bụi silic trong môi trường lao động (MTLĐ) là nguyên nhân gây ra bệnh bụi phổi silic với tổn thương điển hình trên phim X-quang theo tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) là các đám mờ nhỏ, đám mờ lớn. Về mặt giải phẫu bệnh, tổn thương là các đám xơ hoá phát triển ở cả hai trường phổi. Việc tiếp xúc với bụi silic trong môi trường lao động làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp nghề nghiệp ở người lao động (NLĐ), đặc biệt là bệnh bụi phổi silic. Theo thống kê của ILO, ước tính mỗi năm có khoảng 2,02 triệu người chết có nguyên nhân từ bệnh nghề nghiệp, con số này tương đương với khoảng 5.500 người chết mỗi ngày.1,2 Theo báo cáo của Cục Quản lý Môi trường y tế, số ca mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp có xu hướng tăng lên.3 Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: việc tiếp xúc với bụi silic sẽ gây ra các tổn thương đa dạng trên phim X-quang, đó là các hình ảnh tổn thương đám mờ lớn và đám mờ nhỏ xuất hiện trên phim X-quang.4-6 Chụp phim X-quang phổi phát hiện các tổn thương đám mờ giúp chẩn đoán sớm được bệnh bụi phổi silic và phân loại được giai đoạn bệnh.7,8 Nghiên cứu của tác giả Liu J và cộng sự cũng chỉ ra rằng, chúng ta có thể thiết lập mô hình dự đoán dựa trên hình ảnh X-quang để chẩn đoán phân biệt bệnh bụi phổi silic và các bệnh khác. Mô hình RF này có độ chính xác là 83,1%, độ nhạy 0,76, độ đặc hiệu 0,9 và AUC là 0,917 (khoảng tin cậy 95%: 0,84 – 0,98).