ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH Ở TRẺ EM TẠI BỆNH VIỆN NHI THANH HÓA
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH Ở TRẺ EM TẠI BỆNH VIỆN NHI THANH HÓA
Lê Đức Anh1, Đào Thị Nguyệt2, Nguyễn Thị Thanh Mai2
1 Bệnh viện Nhi Thanh Hóa
2 Trường Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và nhận xét kết quả điều trị của 115 trẻ dưới 6 tuổi bị bệnh động kinh tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa từ tháng 10/2020 đến tháng 12/2021. Kết quả: Ở nhóm trẻ dưới 6 tuổi, động kinh toàn thể gặp nhiều nhất chiếm 62,6%, dạng cơn co cứng – co giật chiếm tỷ lệ cao nhất 47,2%, cơn co thắt chiếm tỷ lệ 11,1%. Động kinh cục bộ chiếm 34,8%, cơn cục bộ đơn giản chiếm tỷ lệ cao nhất 62,5%. Điện não đồ cho kết quả 82,6% bản ghi có bất thường. Hình ảnh cộng hưởng từ sọ não phát hiện tổn thương là 46,1% trường hợp, trong đó tổn thương cấu trúc mô não là 22,6%. Sau 6 tháng điều trị, tỉ lệ hết cơn co giật là 37,4%, giảm cơn là 47,8%, không giảm cơn là 14,8%. Kết luận: Động kinh là bệnh cần quan tâm ở trẻ em. Cần tăng cường kiến thức và thực hành lâm sàng cho các bác sĩ về phân loại cơn, chọn lựa thuốc chống động kinh phù hợp để đạt được hiệu quả điều trị cao hơn.
Bệnh động kinh là bệnh mạn tính của não, biểu hiện bằng những cơn động kinh tự phát tái phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, với cơ chế bệnh sinh chung là hoạt động đồng thì bất thường và quá mức của một quần thể neuron của bộ não [1]. Động kinh là bệnh phổ biến nhất trong lĩnh vực thần kinh trẻ em. Ở Việt Nam, động kinh chiếm tỉ lệ 0,5 -1% dân số. Theo Lê Đức Hinh, động kinh ở trẻ em chiếm 64,5% trong tổng số động kinh chung [2]. Triệu chứng lâm sàng của bệnh đa dạng và phức tạp, điều trị còn nhiều khó khăn do phụ thuộc vào phân loại cơn và đáp ứng từng cá thể. Hiện nay có nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh động kinh như có nhiều thuốc thế hệ mới, áp dụng chế độ ăn sinh ceton, phẫu thuật cắt ổ sinh động kinh,… góp phần kiểm soát được bệnh động kinh [3]. Tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa, hàng năm, đón nhận hàng trăm trẻ bị bệnh động kinh đến khám và điều trị, phần lớn là trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng chưa có những thống kê nghiên cứu, đặc biệt là kết quả điều trị. Vì vậy để góp phần nâng cao chất lượng điều trị, nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu “Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và nhận xét kết quả điều trị động kinh ở trẻ em dưới 6 tuổi tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa”.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Động kinh, trẻ em, co giật, điều trị
Tài liệu tham khảo
1. Pati S, Alexopoulos AV. Pharmacoresistant epilepsy: from pathogenesis to current and emerging therapies. Cleve Clin J Med, 2010. 77(7):457 – 467. doi:10.3949/ccjm.77a.09061.
2. Nguyễn Văn Bình, Phạm Huy Dũng, Lê Đức Hinh. Một số đặc điểm dịch tễ động kinh tại cộng đồng dân cư Hà Tây. Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, 2003. 7.
3. Moosa A N V. Antiepileptic drug treatment of epilepsy in children. Continuum (Minneap Minn), 2019. 25(2):381 – 407. DOI: 10.1212/CON.0000000000000712.
4. Fisher RS, Acevedo C, Arzimanoglou A, et al. ILAE official report: a practical clinical definition of epilepsy. Epilepsia, 2014. 55(4):475-482. doi:10.1111/epi.12550.
5. Hoàng Cẩm Tú. Bệnh động kinh trẻ em dưới 6 tuổi tại Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em, 1996. Đại Học Y Hà Nội.
6. Lê Thị Loan. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, điện não đồ và hình ảnh cộng hưởng từ sọ não ở bệnh nhân động kinh từ 1-12 tháng tuổi, Luận văn Thạc sỹ. Đại học Y Hà Nội, 2018.
7. Lê Thị Khánh Vân. Phân loại và điều trị động kinh trẻ em ở Bệnh Viện Nhi Đồng 2 Thành Phố Hồ Chí Minh. Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, 2011.
8. Durá Travé T, Yoldi Petri ME, Gallinas Victoriano F. [Incidence of epilepsy in 0-15 year-olds]. An Pediatr Barc Spain 2003, 2007. 67(1):37-43. doi:10.1157/13108084.
9. Đồng Xuân Sắc. Kết quả điều trị động kinh toàn thể cơn lớn ở trẻ em dưới 6 tuổi tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Đại học Y Dược Thái Nguyên, 2018.
10. Nguyễn Thị Bích Vân. Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị động kinh ở trẻ bị xơ hoá củ tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, Luận văn Thạc sỹ. Đại học Y Hà Nội, 2014.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com