ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG KÍCH ĐỘNG Ở NGƯỜI BỆNH RỐI LOẠN LOẠN THẦN CẤP VÀ NHẤT THỜI
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG KÍCH ĐỘNG Ở NGƯỜI BỆNH RỐI LOẠN LOẠN THẦN CẤP VÀ NHẤT THỜI
Vương Đình Thủy1, Vũ Thy Cầm1, Nguyễn Văn Tuấn1,2
1 Bệnh viện Bạch Mai
2 Trường Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Rối loạn loạn loạn thần cấp và nhất thời là một rối loạn tâm thần hay gặp. Kích động tâm thần vận động (gọi tắt là kích động) là trạng thái cấp cứu tâm thần hay gặp trong bệnh cảnh lâm sàng các bệnh lý tâm thần nói chung và rối loạn loạn thần cấp và nhất nói riêng. Mục tiêu: mô tả đặc điểm lâm sàng kích động ở người bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 97 người bệnh được lựa chọn vào nghiên cứu là người bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia từ tháng 08/2021 đến tháng 07/2022. Kết quả: Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời hay gặp ở cả nam và nữ (nam/nữ=1,4/1), đa số trong nhóm tuổi 18-40. Kích động là triệu chứng hay gặp trong rối loạn loạn thần cấp và nhất thời (72,2%). Thường xuất hiện vào thời điểm trước khi vào viện (92,9%) và không có nguyên nhân (40,0%). Trong nhóm triệu chứng kích động có lời, âm điệu giận dữ là hay gặp nhất (84,3%), triệu chứng gây chú ý bằng giọng nói hay gặp nhất trong nhóm triệu chứng kích động không lời (38,6%), các triệu chứng hành vi kích động không mục đích hay gặp với khó thư giãn và ưỡn ngực (22,9%), tư thế đe dọa (21,4%), trong nhóm hành vi kích động có mục đích ném đồ vật là triệu chứng hay gặp nhất với 37,1%. Kết luận: Tỷ lệ kích động ở người bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời tương đối cao, triệu chứng đa dạng và phong phú, cần phát hiện sớm để có thái độ xử trí phù hợp.
Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời là một nhóm rối loạn không đồng nhất, khởi phát cấp tính và phát triển đầy đủ dưới 2 tuần, với triệu chứng loạn thần rõ rệt như hoang tưởng, ảo giác và các rối loạn hành vi tác phong.[1]Đây là một rối loạn tâm thần hay gặp. Tại Hoa kỳ, tỷ lệ rối loạn loạn thần cấp chiếm 9% trong các rối loạn loạn thần đầu tiên.[2]Kích động tâm thần vận động (psychomotor agitation) hay gọi tắt là kích động (agitation) là trạng thái cấp cứu tâm thần hay gặp trong bệnh cảnh lâm sàng các bệnh lý tâm thần nói chung và rối loạn loạn thần cấp và nhất nói riêng. Tại các khoa cấp cứu ghi nhận tỷ lệ người bệnh có tình trạng kích động tới 10%, và trung bình điều dưỡng hoặc bác sĩ gặp ít nhất 8 lần bị tấn công trên năm. Kích động thường biểu hiện ban đầu từ những căng thẳng bên trong khó nhận biết nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tình trạng gây hấn, bạo lực, người bệnh có hành vi nguy hiểm đối với bản thân và người xung quanh, thậm chí là giết người và tự sát. Điều này ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong liệu trình điều trị người bệnh như sự chăm sóc người bệnh, các gánh nặng cho người chăm sóc, các nguồn lực cộng đồng (dịch vụ cấp cứu và hệ thống chính sách).[3]Tại Việt Nam, các nghiên cứu về kích động ở người bệnh rối loạn loạn thầncấp còn hạn chế, mà chủ yếu tập trung vào nghiên cứu về các triệu chứng loạn thần. Việc nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng kích động ở người bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời góp phần làm rõ hơn về đặc điểm lâm sàng ở người bệnh rối loạn loạn thần cấpvà nhất thời, và cho phép việc điều trị và quản lý người bệnh trở nên tốt hơn, làm giảm các gánh nặng cho gia đình và xã hội. Xuất phát từ thực tế trên chúng tôi thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng kích động ở người bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Kích động, rối loạn loạn thần cấp và nhất thời
Tài liệu tham khảo
1. Trần Hữu Bình (2001). Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời. Bệnh học tâm thần. Bộ môn tâm thần Đại học Y Hà Nội, 38–43.
2. William T. Carpenter and Deanna M. Barch (2013). Brief psychotic disorder. Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM-5. 5th ed, American Psychiatric Association, Washington, D.C, 94–96.
3. Sachs G.S. (2006). A Review of Agitation in Mental Illness: Burden of Illness and Underlying Pathology. 8.
4. Nguyễn Hữu Chiến (2008), Đặc điểm lâm sàng, tiến triển rối loạn loạn thần cấp và nhất thời, Trường đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
5. Esan O. and Fawole O.I. (2014). Acute and transient psychotic disorder in a developing country. Int J Soc Psychiatry, 60(5), 442–448.
6. Nguyễn Việt (1984). Tâm thần học 84. Bệnh loạn thần phản ứng. Nhà xuất bản y học, Hà nội, 42.
7. Nguyễn Thị Hoài Thương (2021), Đặc điểm lâm sàng kích động ở người bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện giai đoạn hưng cảm, luận văn thạc sĩ y học, Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com