Đặc điểm tổn thương động mạch vành và thay đổi mức lọc cầu thận sau chụp hoặc can thiệp động mạch vành qua da ở bệnh nhân bệnh thận mạn

Đặc điểm tổn thương động mạch vành và thay đổi mức lọc cầu thận sau chụp hoặc can thiệp động mạch vành qua da ở bệnh nhân bệnh thận mạn

Đặc điểm tổn thương động mạch vành và thay đổi mức lọc cầu thận sau chụp hoặc can thiệp động mạch vành qua da ở bệnh nhân bệnh thận mạn

Mở đầu: Bệnh động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân bệnh thận mạn. mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng can thiệp động mạch vành qua da trên bệnh nhân bệnh thận mạn tính vẫn còn nhiều thách thức.

Mục tiêu:

(1) Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương Động mạch vành ở những bệnh nhân bệnh thận mạn cần chụp động mạch vành qua da tại Viện Tim mạch Việt Nam.

(2) Đánh giá sự thay đổi về lâm sàng, cận lâm sàng và Mức lọc cầu thận sau chụp hoặc can thiệp ĐMV ở những bệnh nhân nói trên.

Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả tiến cứu trên 59 bệnh nhân bệnh thận mạn được chỉ định chụp có hoặc không kèm theo can thiệp động mạch vành qua da tại Viện Tim mạch Việt Nam từ tháng 8-2020 đến tháng 10 – 2021. Thu thập và tiến hành phân tích các thông tin về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả chụp động vành qua da và thay đổi chức năng thận sau can thiệp.

Kết quả: Điểm SYNTAX trung bình là 21,9 ± 13,0. Tổn thương mạch vành chiếm tỷ lệ nhiều nhánh chiếm đa số (84,8%), tổn thương 1 nhánh (11,9%). Vị trí tổn thương thường gặp nhất là động mạch liên thất trước (88,1%) tiếp đến là động mạch vành phải (71,2%), động mạch mũ (50,8%). Tổn thương thủ phạm thường phức tạp, type B2 và type C là dạng tổn thương thường gặp nhất (76,2%), kế đến là type B1 (14,3%), type A (9,5%). Tỷ lệ tắc hoàn toàn mạn tính cũng chiếm tỷ lệ khá cao (25,4%), tổn thương chỗ chia đôi (25,4%) tổn thương thân chung động mạch vành trái ít hơn (13,6%). Có 17,3% bệnh nhân gặp biến chứng tổn thương thận cấp sau can thiệp, ở nhóm CKD 3 có 12,9% và nhóm CKD 4-5 có 23,8% bệnh nhân. Trong số này 3 bệnh nhân phải lọc máu cấp cứu sau can thiệp.

Kết luận: Tổn thương động mạch vành ở bệnh nhân bênh thận mạn thường phức tạp, thường gặp tổn thương nhiều nhánh động mạch vành và có xu hướng tổn thương nặng hơn theo sự suy giảm mức lọc cầu thận. Can thiệp động mạch vành qua da ở bệnh nhân bệnh thận mạn có kết quả an toàn về mặt thủ thuật tuy nhiên tỷ lệ biến chứng tổn thương thận cấp khá cao ở các bệnh nhân bệnh thận mạn.

Từ khoá: Tổn thương động mạch vành, bệnh thận mạn, tổn thương thận cấp.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh thận mạn tính (CKD) là một yếu tố nguy cơ độc lập cho sự phát triển của bệnh động mạch vành (CAD)1. CKD cũng là một trong những yếu tố tiên lượng xấu ở những người mắc bệnh tim mạch2 Điều này bao gồm tăng tỷ lệ tử vong sau hội chứng mạch vành cấp, sau can thiệp động mạch vành qua da (PCI) có hoặc không đặt stent3 và sau phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành (CABG). Ngoài ra, triệu chứng bệnh mạch vành ở bệnh nhân CKD thường không điển hình, do đó có thể trì hoãn chẩn đoán và ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị4.

Trong những năm gần đây số lượng bệnh nhân bệnh thận mạnngày càng tăng và thời gian sống thêm ngày càng dài hơn nhờ những tiến bộ trong điều trị nội khoa hoặc thay thế thận. Đây cũng chính là một thách thức lớn cho các nhà thận học và tim mạch học bởi sự xuất hiện nhiều biến chứng nhất là biến chứng tim mạch theo thời gian kéo dài của bệnh, trong đó thường gặp nhất là bệnh lý động mạch vành. Để điều trị bệnh mạch vành, trên thế giới người ta đã áp dụng kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da cho bệnh nhân bệnh thận mạn từ nhiều thập niên qua và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên cho đến nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam chúng tôi thấy có rất ít nghiên cứu trên những đối tượng này. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đặc điểm tổn thương động mạch vành và thay đổi mức lọc cầu thận sau chụ hoặc can thiệp động mạch vành qua da ở bệnh nhân bệnh thận mạn” nhằm mục tiêu trên.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Chúng tôi tiến hành thu thập số liệu nghiên cứu trên các bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tại Viện Tim mạch Việt Nam từ tháng 8-2020 đến tháng 10-2021 thoả mạn tiêu chuẩn lựa chọn và không có tiêu chuẩn loại trừ.

Tiêu chuẩn lựa chọn

Tất cả các bệnh nhân bệnh thận mạn có chỉ định chụp động mạch vành qua da có hoặc không kèm theo can thiệp đặt stent động mạch vành. Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ

Các bệnh nhân có tiền sử đặt stent động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu chủ vành.

Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu mô tả tiến cứu. Tất cả bệnh nhân đưa vào nghiên cứu đều được dự phòng tổn thương thận cấp do thuốc cản quang bằng biện pháp truyền dịch Nacl 0,9% theo phác đồ 3ml/kg/h trong 1 giờ trước can thiệp và duy trì 1,0-1,5 ml/ kg/h trong 4-12 giờ sau can thiệp, thu thập và phân tích kết quả chụp động mạch vành và xét nghiệm cận lâm sàng trước và sau chụp động mạch vành tại thời điểm 0-24 giờ và 24-48 giờ sau chụp hoặc can thiệp động mạch vành.

Phương pháp chọn mẫu: chọn mẫu thuận tiện. Thống kê và xử lý số liệu: số liệu nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm SPSS 25.0.

KẾT QUÁ

Chúng tôi chia các bệnh nhân nghiên cứu thành 2 nhóm: Một nhóm gồm các bệnh nhân có mức lọc cầu thận giảm trung bình hay MLCT từ 30 đến dưới 60 ml/phút/1,73 m2 (nhóm CKD 3) có 31 bệnh nhân và nhóm còn lại gồm các bệnh nhân đã lọc máu chu kỳ hoặc có giảm nặng mức lọc cầu thận < 30 ml/ phút/1,73 m2 (nhóm CKD 4-5) có 28 bệnh nhân, trong đó có 7 bệnh nhân lọc máu chu kỳ. Qua phân tích chúng tôi thu được một số kết quả như sau:

Độ tuổi trung bình của đối tượng nhiên cứu là 73,1 ± 9,2 tuổi. Ở cả 2 nhóm nam giới chiếm đa số với 72,9%, trong đó tỷ lệ nam giới ở nhóm CKD 3 cao hơn ở nhóm CKD 4–5, p=0,03. Giá trị BMI trung bình là 22,2 ± 2,7. Tiền sử tăng huyết áp phổ biến nhất (76,3%), tiếp đến là đái tháo đường (54,2%), hút thuốc lá (45,8%), rối loạn lipid máu (40,7%). Nhồi máu cơ tim ST chênh lên chiếm tỷ lệ lớn 52,6%, tiếp đến là hội chứng vành cấp không ST chênh lên với 42,3%, đau ngực không ổn định 5,1%. Nồng độ Hemoglobin trung bình là 118,8 ± 23,7. Nồng độ Creatinin huyết thanh trung bình trước can thiệp nhóm CKD 4-5 là 335,3 ± 234,1 cao hơn so với nhóm CKD 3 là 128,7 ± 19,2. Mức lọc cầu thận trung bình ở nhóm CKD 4-5 là 19,1 ± 9,5 ml/ phút/1,73 m2 thấp hơn so với nhóm CKD 3 là 46,9 ± 8,4 ml/phút/1,73 m2.

Nguồn: https://luanvanyhoc.com

Leave a Comment