Đánh giá chức năng thất phải toàn bộ và theo vùng bằng siêu âm đánh dấu mô cơ tim ở bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi

Đánh giá chức năng thất phải toàn bộ và theo vùng bằng siêu âm đánh dấu mô cơ tim ở bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi

Đánh giá chức năng thất phải toàn bộ và theo vùng bằng siêu âm đánh dấu mô cơ tim ở bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi

ThS.BS.Phạm Thu Thủy – Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai
TS.BS.Nguyễn Thị Thu Hoài – Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai
TÓM TẮT
Mục tiêu: Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá sức căng dọc toàn bộ thất phải và sức căng thành tự do thất phải theo vùng nhằm phát hiện rối loạn chức năng thất phải ở bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi.

Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: 70 bệnh nhân bệnh tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi và 30 cá thể nhóm chứng được thu thập vào nghiên cứu. Dựa trên thông tim, các bệnh nhân được chia làm 3 phân nhóm bao gồm nhóm A là Eisenmenger do luồng thông trước van ba lá (18 bệnh nhân), nhóm B là Eisenmenger do luồng thông sau van ba lá (23 bệnh nhân) và 29 bệnh thuộc nhóm tăng áp phổi chưa cố định là nhóm C. Phân độ chức năng của tổ chức y tế thế giới WHO Fc được sử dụng để chia các bệnh nhân thành ba dưới nhóm. Sức căng thành tự do thất phải vùng đáy, giữa, đỉnh và sức căng dọc toàn bộ thất phải được đo trên siêu âm đánh dấu mô cơ tim 2D, các thông số siêu âm còn lại được đo trên siêu âm tiêu chuẩn.

Kết quả: 61.4% tổng bệnh nhân có WHO FC độ 3 trở lên. Trung bình sức căng dọc thành tự do thất phải và sức căng toàn bộ thất phải lần lượt là -20.42 ± 5.9%, -17.62 ± 5.5%. Toàn bộ giá trị sức căng dọc thất phải của nhóm nghiên cứu đều nhỏ hơn nhóm chứng. Toàn bộ chỉ số sức căng dọc thất phải đều cho tỷ lệ bất thường cao hơn các chỉ số chức năng thất phải trên siêu âm kinh điển. Sức căng toàn bộ và sức căng dọc thành tự do thất phải của hai nhóm A, B đều nhỏ hơn nhóm C (p<0.001). Trong số các chỉ số sức căng vùng, sức căng vùng đáy nhóm C cao hơn nhóm A (p<0.001) nhưng tương tự nhóm B. Toàn bộ chỉ số sức căng vùng, sức căng toàn bộ thất phải và sức căng dọc thành tự do thất phải đều tương quan có ý nghĩa với áp lực động mạch phổi tâm thu và mức độ nặng của phân độ WHO FC.

Kết luận: Ở bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi, siêu âm đánh dấu mô cơ tim (STE) 2D có tiềm năng phát hiện sớm hơn suy chức năng thất phải so với các thông số siêu âm thường quy.

Từ khóa: Tăng áp phổi; siêu âm tim; tim bẩm sinh; đánh dấu mô.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi là vấn đề tim mạch nghiêm trọng tại các nước đang phát triển do bệnh bị chẩn đoán muộn và thiếu điều kiện chữa trị triệt để. Nhóm bệnh nhân này đòi hỏi theo dõi lâu dài suốt đời. Chức năng tâm thu thất phải được chứng minh là yếu tố tiên lượng độc lập sống còn cho nhiều bệnh lý tim mạch [1-3]. Cộng hưởng từ được coi là công cụ chẩn đoán hình ảnh tốt nhất để đánh giá chức năng thất phải nhờ khả năng nhận dạng tốt viền nội mạc và đo đạc được chức năng co bóp vùng đường ra thất phải. Tuy nhiên, siêu âm tim có lợi thế lớn trong thực hành lâm sàng do tính sẵn có và thời gian ghi hình ngắn. Ở bệnh nhân tim bẩm sinh, mối tương quan giữa các thông số siêu âm của chức năng thất phải kinh điển như TAPSE, FAC và S’ với cộng hưởng từ vẫn còn nhiều khoảng trống chứng cứ [5,6]. Siêu âm đánh dấu mô gần đây được chứng minh là công cụ hiệu quả đánh giá chức năng thất phải ở các nhóm bệnh lý khác nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra vai trò tiên lượng của sức căng thất phải nhờ khả năng phát hiện sớm rối loạn chức năng thất phải [7-9]. Tuy nhiên, đặc điểm sức căng cũng như lợi ích của chỉ số này ở bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi đặc biệt là nhóm có Eisenmenger vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi. Nghiên cứu của chúng tôi giả thuyết rằng việc sử dụng các thống số sức căng thất phải là công cụ hữu ích trong phát hiện rối loạn chức năng thất phải ở quần thể bệnh nhân này.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

Quần thể nghiên cứu

Chúng tôi tiến hành thu thập các bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi vào nghiên cứu tuần tự theo thời gian từ 6-2020 đến 8-2021 tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân có bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim và tổn thương van tim bên trái có ý nghĩa (hở hoặc hẹp từ mức độ vừa trở lên của van hai lá hoặc động mạch chủ) hoặc chất lượng hình ảnh siêu âm kém được loại trừ. Tổng số 70 bệnh nhân mắc tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi (tuổi trung bình 42±16 tuổi; 14 nam) được đưa vào nghiên cứu. Các thông số lâm sàng bao gồm triệu chứng cơ năng thực thể và cận lâm sàng gồm NT pro BNP và creatinin được ghi nhận. Thang phân độ cơ năng WHO FC được sử dụng để phân loại triệu chứng cơ năng của bệnh nhân. Trong nghiên cứu này, các bệnh nhân của chúng tôi đều có phân độ WHO FC từ độ 2 trở lên nên được phân vào ba dưới nhóm WHO độ 2, WHO độ 3 và WHO độ 4. Phân độ WHO 1 được gán cho nhóm chứng. Bệnh nhân cũng được phân loại vào các dưới nhóm theo căn nguyên tim bẩm sinh gây tăng áp phổi vào gồm nhóm A là các bệnh nhân có Eisenmenger do luồng thông trước van ba lá (thông liên nhĩ, thông sàn nhĩ thất bán phần, bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi về nhĩ phải hoặc tĩnh mạch chủ), nhóm B là các bệnh nhân có Eisenmenger do luồng thông sau van ba lá (thông liên thất, cửa sổ chủ phế, còn ống động mạch, thất phải hai đường ra có hẹp phổi bảo vệ), nhóm C là nhóm tim bẩm sinh nhưng chưa có tăng áp động mạch phổi cố định. Nhóm chứng bao gồm 30 cá thể khỏe mạnh không có tiền sử bệnh mãn tính, có điện tim và siêu âm tim 2D bình thường, có độ tuổi và giới tương đồng với quần thể nghiên cứu (tuổi trung bình 44±14; 8 nam) và chất lượng hình ảnh siêu âm tốt. Tất cả các bệnh nhân và nhóm chứng đều đồng ý tham gia nghiên cứu và đề cương nghiên cứu được thông qua bởi hội đồng đạo đức Trường Đại học Y Hà Nội.

Siêu âm tim quy ước
Siêu âm tim 2D và doppler được tiến hành trên máy Philips CVX (Koninklijke Philips N.V. Netherlands) và tiến hành bởi bác sỹ siêu âm có kinh nghiệm. Khuyến cáo của ASE được sử dụng để chuẩn hóa quá trình siêu âm [4]. Các thông số hình thái thất phải bao gồm đường kính đường ra thất phải RVOT trục dọc, diện tích thất phải cuối tâm trương (RVA), đường kính đáy thất phải. Chức năng thất phải quy ước được đánh giá trên các thông số TAPSE, FAC và S’. Áp lực động mạch phổi tâm thu (PASP) được tính bằng chênh áp tối đa dòng hở qua van ba lá cộng thêm áp lực nhĩ phải (RAP). RAP được ước lượng bằng 3, 8 hoặc 15mmHg dựa trên đường kính tĩnh mạch chủ dưới và mức độ đàn hồi theo nhịp hô hấp[4].

Siêu âm 2D đánh dấu mô cơ tim
Lát cắt bốn buồng tập trung thất phải được sử dụng để đo các thông số sức căng dọc thất phải. Các thông số này được tính toán bán tự động bằng phần mềm EPIQ 5.0 autostrain sotfware. Sau khi ghi được hình ảnh đủ chất lượng với hiện hình rõ nét thành thất phải, chế độ autostrain RV được lựa chọn để phân tích. Với sự trợ giúp của điện tâm đồ, chế độ autostrain RVsẽ chuyển trực tiếp hình ảnh sang bước phân tích. Trong trường hợp thất phải giãn lớn có nhiều bè cơ, viền nội mạc, thời điểm bắt đầu và kết thúc cuối tâm trương có thể hiệu chỉnh tay. Ở bước phân tích, sức căng toàn bộ thất phải (RVGLS) và sức căng thành tự do thất phải (RVFWS) được hiển thị. Các chỉ số sức căng dọc theo vùng của thành tự do bao gồm sức căng dọc thành tự do vùng đáy (RVBFWS), vùng giữa (RVMFWS) và vùng đỉnh (RVAFWS) cũng được hiển thị. Sức căng dọc đỉnh tâm thu mang giá trị âm do thể hiện sự co ngắn của sợi cơ. Tuy nhiên trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng giá trị tuyệt đối mang dấu dương để tiện xử lý số liệu.

Nguồn: https://luanvanyhoc.com

Leave a Comment