Đặt vấn đề: viêm tai giữa thủng nhĩ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, học tập, công tác và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đóng kín lỗ thủng màng nhĩ là phương pháp điều trị then chốt, giúp tái lập cấu trúc bình thường của tai giữa, chấm dứt chảy tai tái diễn. Cho đến hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào tại Cần thơ và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long nhằm đánh giá hiệu quả của kỹ thuật này. Mục tiêu nghiên cứu: đánh giá sự lành màng nhĩ và sự phục hồi sức nghe sau khi đóng kín lỗ thủng màng nhĩ bằng kỹ thuật underlay. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu thử
nghiệm lâm sàng một nhóm trên các bệnh nhân thủng màng nhĩ đến khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ từ năm 2006 đến năm 2009 với các tiêu chuẩn loại trừ: viêm tai giữa có cholesteatoma, túi co lõm màng nhĩ, gián đoạn chuỗi xương con, thủng nhĩ do chấn thương < 6 tháng. Kết quả: Kết quả đánh giá sau mổ được ghi nhận tại các thời điểm 2 tuần, 2 tháng, 6 tháng, 1 năm và 2 năm sau mổ cho thấy tỷ lệ lành màng nhĩ chung là 96.3%, sức nghe đường khí tăng trung bình 7.55 dB so với trước mổ, cải thiện khoảng ABG trung bình 5.78 dB. Kết luận: đóng kín lỗ thủng màng nhĩ bằng kỹ thuật underlay với mảnh ghép tự thân cân cơ thái dương là một phương pháp tốt trong điều trị dứt điểm viêm tai giữa thủng nhĩ.