Đánh giá kết quả tạo hình bằng vạt tại chỗ sau cắt bỏ ung thư da tế bào đáy vùng má
Đánh giá kết quả tạo hình bằng vạt tại chỗ sau cắt bỏ ung thư da tế bào đáy vùng má
Dương Mạnh Chiến, Đỗ Hùng Anh
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả sử dụng vạt tại chỗ che phủ tổn khuyết sau phẫu thuật cắt khối ung thư da tế bào đáy vùng má. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 28 bệnh nhân (13 nam và 15 nữ, tuổi từ 26 đến 87), được phẫu thuật tạo hình bằng vạt tại chỗ che phủ tổn khuyết vùng má sau cắt ung thư da tế bào đáy tại Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K từ tháng 6/2018 đến 6/2021. Kết quả được đánh giá trong quá trình nằm viện và sau mổ 6 tháng. Vị trí thường gặp nhất là vùng dưới ổ mắt với tỉ lệ 57,1%. Tổn khuyết sau cắt bỏ khối u có kích thước từ 1,5 x 1,5cm đến 5 x 8cm. Các khuyết tổn này được che phủ bằng 15 vạt xoay, 7 vạt chuyển và 6 vạt đẩy. Sau mổ, 100% vạt sống hoàn toàn, 9 trường hợp gây co kéo cơ quan xung quanh. Theo dõi sau 6 tháng trên 20 bệnh nhân cho kết quả tốt về sẹo, tương đồng màu sắc, độ dày vạt, tình trạng co kéo cơ quan xung quanh được cải thiện đáng kể, chưa ghi nhận tình trạng tái phát ung thư. Kết quả nghiên cứu cho thấy tạo hình khuyết tổn sau cắt bỏ ung thư da tế bào đáy vùng má bằng vạt tại chỗ đem lại kết quả cao về chức năng và thẩm mỹ. Kích thước, vị trí và loại vạt sử dụng là các yếu tố chính ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật.
Ung thư da tế bào đáy (UTDTBĐ) là bệnh ác tính ở da phổ biến nhất với tỷ lệ mắc ngày càng tăng.1 Tổn thương do UTDTBĐ ở vùng má chủ yếu biểu hiện tại chỗ, ít khi di căn và biểu hiện toàn thân, ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ và quan hệ xã hội của bệnh nhân, tác động nặng nề đến tâm lý bản thân người bệnh và gia đình. Dựa vào mô bệnh học, vị trí khối u, kích thước và giai đoạn bệnh của khối u, sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp bao gồm phẫu thuật triệt căn, hóa, xạ trị… trong đó phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu và hiệu quả nhất.1,2 Có 2 phương pháp điều trị triệt căn: phẫu thuật theo nguyên tắc (diện cắt cách rìa tổn thương tối thiểu 5 – 10mm), phẫu thuật theo yêu cầu (phẫu thuật Mohn: phẫu thuật và sinh thiết tức thì trong mổ).2Sau phẫu thuật loại bỏ tổ chức ung thư, việc áp dụng các phương pháp tạo hình là cần thiết để che phủ tổn khuyết. Dựa trên đặc điểm tổn khuyết để lại, một số phương pháp tạo hình có thể được sử dụng: liền thương tự nhiên, đóng trực tiếp, ghép da, sử dụng vạt… Vạt tại chỗ là vạt da lấy ngay cạnh tổn thương, trong cùng 1 đơn vị giải phẫu, sử dụng vạt này trong điều trị khuyết tổn da vùng má sau điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy đem lại chất liệu đóng da phù hợp về màu sắc, độ dày, tránh co kéo quá mức tổ chức xung quanh, đem lại hiệu quả cao trong việc bảo tồn chức năng cũng như tính thẩm mỹ, là phương pháp thường được áp dụng trong lâm sàng, chỉ định khi khâu đóng trực tiếp gây biến dạng, co kéo cơ quan xung quanh,
Chi tiết bài viết
Từ khóa
ung thư da tế bào đáy, khuyết phần mềm vùng má, vạt tại chỗ
Tài liệu tham khảo
1. Wong CSM, Strange RC, Lear JT. Basal cell carcinoma. BMJ. 2003;327(7418):794-798. doi: 10.1136/bmj.327.7418.794.
2. Smith V, Walton S. Treatment of facial Basal cell carcinoma: a review. J Skin Cancer. 2011;2011:380371. doi: 10.1155/2011/380371.
3. Cass ND, Terella AM. Reconstruction of the Cheek. Facial Plast Surg Clin N Am. 2019;27(1):55-66. doi: 10.1016/j.fsc.2018.08.007.
4. Nguyễn Quang Rực. Đánh giá kết quả phẫu thuật tạo hình khuyết phần mềm vừa và nhỏ sau cắt bỏ ung thư tế bào đáy vùng mặt. Luận án Thạc sĩ Y học. Đại học Y Hà Nội; 2019.
5. Gonzalez-Ulloa M. Restoration of the face covering by means of selected skin in regional aesthetic units. Br J Plast Surg. 1956;9(3):212-221. doi: 10.1016/s0007-1226(56)80036-2.
6. Trịnh Mạnh Hùng. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, mô bệnh học và đánh giá kết quả phẫu thuật điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy, tế bào đáy của da vùng đầu mặt cổ. Luận án Tiến sĩ Y học. Đại học Y Hà Nội; 2016.
7. Đoàn Hữu Nghị. Ung thư da, ung thư học. Nhà xuất bản Y học; 2001.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com