Đánh giá nguy cơ chảy máu theo thang điểm ARC – HBR ở bệnh nhân Hội chứng vành cấp được can thiệp động mạch vành qua da
Đánh giá nguy cơ chảy máu theo thang điểm ARC – HBR ở bệnh nhân Hội chứng vành cấp được can thiệp động mạch vành qua da.
Chảy máu là biến chứng sớm phổ biến nhất liên quan đến PCI. Hiệp hội nghiên cứu học thuật về nguy cơ chảy máu cao (ARC-HBR) đã phát triển sự đồng thuận định nghĩa dựa trên bệnh nhân nguy cơ chảy máu cao (HBR) vào tháng 5 năm 2019 và đưa ra bảng điểm ARC – HBR để phân tầng nguy cơ chảy máu ở bệnh nhân sau khi trải qua PCI 1.
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu quan sát gồm 235 bệnh nhân với chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp và được can thiệp động mạch vành qua da thành công tại Viện Tim mạch Việt Nam, nhằm theo dõi biến cố chảy máu trong viện và đánh giá khả năng phân tầng nguy cơ chảy máu theo bảng điểm ARC – HBR.
Kết quả nghiên cứu: Phân loại nguy cơ chảy máu cao dựa trên tiêu chí ARC-HBR cho thấy khả năng dự đoán mức độ khá đối với biến cố chảy máu trong thời gian nằm viện ở bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp được can thiệp mạch vành qua da.Từkhóa:ARC – HBR; nhồi máu cơ tim cấp.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thực hành đương đại về tim mạch can thiệp, người ta nhận ra rằng chảy máu đã trở thành biến chứng sớm phổ biến nhất liên quan đến PCI. Mặc dù tỷ lệ chảy máu khác nhau giữa các nghiên cứu, dữ liệu gần đây từ Hoa Kỳ cho thấy chảy máu lớn xảy ra với tỷ lệ 1,7% sau PCI2. Trong các thử nghiệm lâm sàng, các định nghĩa không đồng nhất của nguy cơ chảy máu cao (HBR) đã được áp dụng trên nhiều nghiên cứu, trong đó có thể hạn chế việc giải thích và tính khái quát của dữ liệu được báo cáo3,4. Trong bối cảnh này, Hiệp hội nghiên cứu học thuật về nguy cơ chảy máu cao (ARC-HBR) đã công bố đồng thuận định nghĩa dựa trên bệnh nhân HBR và thang điểm ARC – HBR nhằm phân loại mức độ nguy cơ chảy máu (1).
Hiện nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đánh giá về tính ứng dụng của thang điểm này trên lâm sàng. Từ thực tế trên, mục đích nghiên cứu của chúng tôi là đánh giá khả năng dự đoán nguy cơ chảy máu trong thời gian nằm viện của thang điểm ARC – HBR ở bệnh nhân mắc hội chứng vành cấp được can thiệp động mạch vành qua da.
ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành trên 235 bệnh nhân với chẩn đoán Hội chứng vành cấp và được can thiệp động mạch vành qua da thành công tại Viện Tim mạch Việt Nam. Các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng vành cấp, được chỉ định và can thiệp động mạch vành thành công, được thu thập và theo dõi các chỉ số lâm sàng, cận lâm sàng, tình trạng chảy máu từ lúc vào viện đến lúc ra viện.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu quan sát tiến hành tại Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8/2019 đến 8/2021. Tất cả bệnh nhân nghiên cứu được thu thập dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng và theo dõi biến cố chảy máu cho tới khi ra viện. Phân tích thống kê: Các biến định lượng được mô tả bằng trung bình và độ lệch chuẩn, sự khác biệt giữa 2 biến định lượng được đánh giá bằng kiểm định ttest hoặc Wilcoxon. Các biến định tính được mô tả bằng tần số và tỷ lệ, sự khác biệt giữa 2 biến định tính được đánh giá bằng kiểm định chi square hoặc Fisher’s exact test. Mối liên quan giữa thang điểm phân tầng nguy cơ và viến cố chảy máu được đánh giá bằng phân tích hồi quy logistic. Giá trị dự đoán của thang điểm nguy cơ được đánh giá bằng diên tích dưới đường cong ROC (AUC). Số liệu được xử lý trên phần mềm STATA 14.0 MP. Nghiên cứu được thông qua bởi hội đồng đề cương và đạo đức nghiên cứu.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com