Điều trị bệnh viêm tuỵ cấp có nhiễm khuẩn của Bộ Y tế

Điều trị bệnh viêm tuỵ cấp có nhiễm khuẩn của Bộ Y tế

1. ĐẠI CƯƠNG

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính của nhu mô tụy. Có thể có những biến chứng nặng và gây tỉ lệ tử vong cao.

Viêm tụy cấp có 2 thể: thể phù nề và viêm tụy cấp hoại tử, khoảng 1/3 số trường hợp viêm tụy cấp là thể hoại tử. Viêm tụy cấp nhiễm khuẩn chủ yếu gặp trong trường hợp viêm tụy cấp hoại tử nặng hoặc do giun và sỏi mật.

2. NGUYÊN NHÂN

– Rượu.

– Sỏi mật.

– Rối loạn chuyển hóa: Tăng triglycerid, tăng canxi máu, viêm tụy cấp do di truyền.

– Sau chụp mật tụy ngược dòng (ERCP).

– Loét hành tá tràng.

– Các nguyên nhân ác tính như: u tụy, u bóng vater.

– Thuốc: Steroid, sulfonamid, furosemid, thiazid.

– Nhiễm khuẩn và ký sinh trùng: Giun, sởi, virus Coxsackievirus, Mycoplasma pneumoniae, sán lá gan nhỏ.

– Tụy phân chia (divisum), nang ống mật chủ.

– Nguyên nhân hay gặp nhất gây viêm tụy là do rượu và sỏi mật. Viêm tụy cấp nhiễm khuẩn hay gặp nguyên nhân là do sỏi mật và giun hoặc viêm tụy cấp hoại tử nặng do các nguyên nhân.

3. TRIỆU CHỨNG

a) Lâm sàng

– Đột ngột đau bụng dữ dội tại vùng thượng vị, đau thường lan ra sau lưng.

– Buồn nôn, nôn.

– Sốt: Sốt cao rét run.

– Có thể có ỉa chảy, hay gặp trong trường hợp viêm tụy nặng.

– Trường hợp nặng có thể biểu hiện có sốc hoặc suy các tạng: khó thở, mạch nhanh huyết áp tụt, đái ít.

– Dấu hiệu Grey Turner: Những mảng bầm tím trên da tại mạng sườn, gặp trong viêm tụy nặng.

– Dấu hiệu Cullen: Những mảng bầm tím trên da ở vùng quanh rốn, gặp trong viêm tụy nặng.

– Trong viêm tụy có thể có vàng da do tắc mật: Sỏi, giun hoặc do chèn ép của tụy vào ống mật chủ.

b) Cận lâm sàng

– Xét nghiệm:

  • Amylase máu tăng, lipase máu tăng.
  • Xét nghiệm cho thấy có biểu hiện viêm và nhiễm khuẩn: bạch cầu tăng đặc biệt đa nhân trung tính, CRP tăng, Pro Calcitonin tăng.
  • P02 giảm, creatinin tăng, canxi máu giảm, đường máu tăng, AST tăng.

– Cấy vi khuẩn: Thấy có vi khuẩn từ dịch chọc hút qua da dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc C.T, hoặc chọc hút dưới siêu âm nội soi. Đối với nhiễm khuẩn Gram-dương hay gặp là tụ cầu.

– Chẩn đoán hình ảnh: Trên siêu âm thường khó quan sát. Trên C.T hoặc cộng hưởng từ (MRI) thấy tụy phù nề hoặc hoại tử, có thể thấy nguyên nhân như sỏi ống mật chủ, giun…

Bảng II.17. Điểm Balthazar đánh giá mức độ nặng trên CT

4. ĐIỀU TRỊ BẰNG KHÁNG SINH

a) Nguyên tắc

– Cấy vi khuẩn: Chọc hút dịch hoại tử qua da dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc C.T, hoặc chọc hút dưới siêu âm nội soi.

– Dẫn lưu dịch hoại tử bị nhiễm khuẩn qua da hoặc qua dạ dày, chỉ phẫu thuật trong trường hợp các biện pháp dẫn lưu này không có hiệu quả hoặc không có khả năng tiến hành.

– Điều trị nguyên nhân nhiễm khuẩn do tắc mật như: sỏi mật, giun chui ống mật hoặc ống tụy.

– Điều trị kháng sinh dự phòng trong viêm tụy cấp hoại tử mức độ nhiều (trên 30%) là vấn đề đang còn bàn luận.

b) Cụ thể

– Tốt nhất là dựa theo kết quả kháng sinh đồ. Trong khi chờ kết quả kháng sinh đồ có thể dùng:

  • Carbapenem: imipenem/cilastatin hoặc meropenem tiêm TM 1g/8 giờ.
  • Hoặc ciprofloxacin 400mg TM/12 giờ phối hợp metronidazol 500mg TM /8 giờ.

Benh.vn (Theo Bộ Y tế)

Theo Benh.vn

Leave a Comment