GIÁ TRỊ CỦA FDG-PET/CT TRONG LẬP KẾ HOẠCH XẠ TRỊ ĐIỀU BIẾN LIỀU Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ THỰC QUẢN 1/3 TRÊN
GIÁ TRỊ CỦA FDG-PET/CT TRONG LẬP KẾ HOẠCH XẠ TRỊ ĐIỀU BIẾN LIỀU Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ THỰC QUẢN 1/3 TRÊN
NGUYỄN ĐÌNH CHÂU1, BÙI QUANG BIỂU2
TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá ảnh hưởng của FDG – PET/CT trong lập kế hoạch xạ trị điều biến liều (XTĐBL) và đáp ứng điều trị ở bệnh nhân ung thư thực quản (UTTQ) 1/3 trên.
Phương pháp: Nghiên cứu can thiệp trên 25 bệnh nhân UTTQ 1/3 trên được chỉ định chụp CT và FDGPET/CT mô phỏng xạ trị từ năm 2014 đến 2017. So sánh các thể tích điều trị xác định trên CT và FDG – PET/CT. Đánh giá đáp ứng sau điều trị 3 tháng theo tiêu chuẩn RECIST 1.1.
Kết quả: FDG-PET/CT làm thay đổi thể tích điều trị của khối u ở 88,0% bệnh nhân (tăng ở 16,0%, giảm ở 72,0%) và hạch ở 36,0% bệnh nhân (tăng ở 8,0%, giảm ở 28,0%). Chiều dài khối u trung bình xác định trên FDG-PET/CT và CT là 5,6 ± 1,8cm và 6,3 ± 1,7cm (p<0,05); số lượng hạch trung bình phát hiện trên FDGPET/CT và CT là 3,0 ± 2,5 và 3,3 ± 2,9 (p>0,05). Thể tích bia lập kế hoạch trung bình nhận liều 50,4Gy (PTV50,4) và 60Gy (PTV60) trên FDG-PET/CT và CT tương ứng là 389,9 ± 79,7cm3 và 387,8 ± 82,2cm3
(p>0,05); 83,5 ± 37,5cm3 và 86,2 ± 37,1cm3 (p<0,05). Tỉ lệ đáp ứng sau điều trị: hoàn toàn 60,0%, một phần 32,0% và không đáp ứng 8,0%.
Kết luận: FDG-PET/CT giúp xác định chính xác thể tích khối u và hạch hơn CT. Phương pháp này nên được áp dụng chuẩn hóa trong xạ trị ung thư thực quản.
Ung thư thực quản (UTTQ) là bệnh lý ác tính có tiên lượng xấu. UTTQ 1/3 trên chiếm khoảng 10% các bệnh nhân (BN) UTTQ. Thể giải phẫu bệnh thường gặp là ung thư biểu mô vảy, tương đối nhạy cảm với tia xạ. Hóa – xạ trị triệt căn được coi là phương pháp điều trị chuẩn cho các bệnh nhân UTTQ 1/3 trên do can thiệp ngoại khoa ở vùng này hết sức khó khăn. Xung quanh thực quản đoạn 1/3 trên có rất nhiều cơ quan quan trọng như thanh quản, tuyến giáp, đám rối thần kinh cánh tay, tủy sống, phổi, tim. Hơn nữa, tính chất các mô vùng này không đồng nhất, bề mặt da không bằng phẳng. Do đó, các kỹ thuật xạ trị thông thường không thể đảm bảo được tiêu chí vừa đảm bảo đủ liều tại u (tổng liều 60 – 66Gy) vừa không để vượt quá liều giới hạn của mô lành trong điều trị triệt căn UTTQ 1/3 trên. Xạ trị điều biến liều (XTĐBL) là kỹ thuật xạ trị hiện đại có ưu điểm cho phép điều trị liều cao, tạo phân bố liều theo hình dạng khối u, giảm liều tại cơ quan lành nên được khuyến cáo ưu tiên trong điều trị triệt căn UTTQ 1/3 trên
Nguồn: https://luanvanyhoc.com