GIAI ĐOẠN THOÁI TRÀO CỦA CHU TRÌNH ĐÁP ỨNG TÌNH DỤC Ở NGƯỜI BỆNH HƯNG CẢM
GIAI ĐOẠN THOÁI TRÀO CỦA CHU TRÌNH ĐÁP ỨNG TÌNH DỤC Ở NGƯỜI BỆNH HƯNG CẢM
Trần Nguyễn Ngọc1,2, Dương Minh Tâm1,2
1 Đại học Y Hà Nội
2 Viện Sức Khỏe Tâm Thần – Bệnh Viện Bạch Mai
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Chúng tôi thực hiện nghiên cứu với mục tiêu khảo sát giai đoạn thoái trào của chu trình đáp ứng tình dục ở người bệnh hưng cảm đến khám và điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần – bệnh viện Bạch Mai. Đây là một nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang, thực hiện trên 60 người bệnh được chẩn đoán theo ICD – 10 (F30, F31.0, F31.1, F31.2). Kết quả cho thấy tuổi trung bình của người bệnh hưng cảm là 33,3 ± 11,2 tuổi, nữ giới có tỷ lệ cao hơn nam giới và tỉ lệ nữ / nam ≈ 1,3 /1. Phần lớn hài lòng sau khi quan hệ tình dục (83,4%). Sau khi quan hệ tình dục, người bệnh hưng cảm thường ôm nhau (41,7%), tiếp theo là hôn, ít gặp nhất là không làm gì và ngủ (13,3%). Đa số người bệnh hưng cảm có thể quan hệ tiếp 1 lần nữa sau khi đã quan hệ tình dục (71,7%) và có thể quan hệ tiếp tục 2 lần nữa nhưng ít hơn (28,3%). Tỷ lệ hài lòng hoặc cảm thấy thỏa mãn về số lượng quan hệ tình dục là 45%.
Chu trình đáp ứng tình dục của con người thông thường được chia ra làm 4 giai đoạn bao gồm giai đoạn ham muốn, giai đoạn hưng phấn, giai đoạn cực khoái và giai đoạn thoái trào. Đáp ứng tình dục là một quá trình liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa cơ thể và tâm lý. Nghĩa là, liên quan đến phản xạ vỏ não và phản xạ tuỷ sống -cùng. Phản xạ tuỷ sống -thắt lưng cùng liên quan đến kích thích ngoại biên: cảm giác sờ nắn, đụng chạm tại chỗ cơ quan sinh dục và các vùng tình dục của cơ thể. Phản xạ vỏ não liên quan đến quá trình tri giác, nhận thức, cảm xúc: nhìn, nghe, suy nghĩ, tưởng tượng, mong muốn về tình dục. Kích thích tình dục được tăng cường nhờ cảm xúc hứng thú, là điều kiện tối ưu cho sự khoái cảm tình dục. Giai đoạn thoái trào: sự cực khoái xảy ra, sự thoái trào sẽ nhanh chóng và được thể hiện bởi các hiện tượng giảm xuống, cảm giác dễ chịu, khoan khoái toàn thân và thư giãn cơ bắp. Sự thoái trào có thể kéo dài vài tiếng và có thể kết hợp với sự không thoải mái hay cáu kỉnh. Sau giai đoạncực khoái, cơ thể trở lại trạng thái không bị kích thích, được gọi là giai đoạn trơ. Nam giới thường cần thời gian trơ trước khi khởi động lại một chu kì đáp ứng tình dục mới. Sau cực khoái, nam giới có thời kỳ trơ kéo dài vài phút hoặc nhiều giờ, trong giai đoạn này họ không thể đáp ứng với các kích thích để gây khoái cảm. Phụ nữ có thể có giai đoạn này hoặc không nên có thể đáp ứng với mô phỏng lặp đi lặp lại và đạt cực khoái tiếp ngay sau lần đầu tiên. Nữ giới không có thời kỳ trơ và có thể tiếp tục chịu được các kích thích để có các khoái cảm nhiều và liên tục. Các rối loạn đáp ứng tình dục có thể xảy ra ở một trong các giai đoạn này hoặc nhiều hơn.1,2Hưng cảm là một trong các rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng nhiều người trên toàn thế giới. Ước tính tỉ lệ mắc suốt đời của rối loạn này ở cộng đồng khoảng 1-3%.3Rối loạn chức năng tình dục xảy ra ở người bệnh hưng cảm phổ biến ở cả nam và nữ, làm tăng nguy cơ hành vi tình dục không an toàn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh và người xung quanh. Ở người bệnh hưng cảm, giai đoạn thoái trào của chu trình đáp ứng tình dục chưa được khảo sát đầy đủ và hệ thống. Với mong muốn tìm hiểu giai đoạn thoái trào ở người bệnh hưng cảm nên chúng tôi tiến hành đề tài “Giai đoạn thoái trào của chu trình đáp ứng tình dục ở người bệnh hưng cảm”với mục tiêu là “Xác định một số tỷ lệ về giai đoạn thoái trào của chu trình đáp ứng tình dục ở người bệnh hưng cảm”
Nguồn: https://luanvanyhoc.com