Hiệu quả của mô hình phối hợp y tế công – tư trong cải thiện năng lực sàng lọc và chẩn đoán lao tại một số cơ sởy tế tư nhân tại Hà Nội
Luận án tiến sĩ y học Hiệu quả của mô hình phối hợp y tế công – tư trong cải thiện năng lực sàng lọc và chẩn đoán lao tại một số cơ sởy tế tư nhân tại Hà Nội.Bệnh lao đang là một trong số những căn nguyên truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Việt Nam hiện là 1 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất với 174.000 người mắc Lao mới mỗi năm và 11.000 người tử vong vì lao. Bên cạnh đó, gánh nặng lao kháng đa thuốc tại Việt Nam xếp thứ 11 trên 30 quốc gia.1 Ước tính trên toàn cầu, có 30% ca bệnh Lao bị bỏ sót, đây là những trường hợp không được phát hiện bởi các chương trình chống Lao quốc gia (CTCLQG).2 Ở các quốc gia có gánh nặng bệnh Lao cao, đa số các trường hợp này sẽ tìm đến các cơ sở y tế tư nhân (CSYTTN) ít nhất một lần trong quá trình điều trị để tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.3 Yếu tố này cho thấy vai trò không thể phủ nhận của hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, chất lượng sàng lọc và chẩn đoán lao tại các CSYTTN thường không đạt chuẩn và cần có sự thay đổi trong thời gian sớm nhất.4-8
Phối hợp công tư trong quản lý bệnh lao (Public Private Mix – PPM) là một cách tiếp cận toàn diện, với sự tham gia một cách hệ thống của tất cả các CSYT thực hiện quản lý bệnh lao nhằm thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về chăm sóc bệnh lao và đạt được các mục tiêu kiểm soát lao quốc gia và toàn cầu. Các nghiên cứu đánh giá kết quả của mô hình PPM trên thế giới đã đưa ra những bằng chứng quan trọng về tính hiệu quả của mô hình này, bao gồm nâng cao kết quả quản lý bệnh lao; thúc đẩy đáng kể việc phát hiện trường hợp nghi nhiễm, chuyển tuyến, điều trị và tiếp cận dịch vụ; đặc biệt ở những nơi hạn chế về nguồn lực.9-12 Kết quả từ các nghiên cứu khác được triển khai tại Việt Nam cũng bước đầu cho thấy những dấu hiệu khả quan với sự gia tăng mạnh mẽ số lượng ca bệnh lao được sàng lọc, báo cáo chẩn đoán và chuyển gửi tới các CSYT thuộc mạng lưới CTCLQG.13-16
Năm 2020, Chương trình chống lao Hà Nội duy trì mục tiêu triển khai công tác phòng, chống lao tại tất cả các xã, phường; tỷ lệ dân số được Chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Năm 2020, toàn thành phố đã xét nghiệm phát hiện cho 16.046 người nghi mắc lao đến khám, đồng thời phát hiện, thu nhận được 2.821 người bệnh lao mọi thể. Mặc dù vậy, công tác phòng chống lao tại Hà Nội hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như khó phát hiện nguồn lây, tư tưởng kỳ thị, tình trạng lao kháng thuốc ngày càng gia tăng; nguồn nhân lực còn thiếu, thường xuyên thay đổi.17,18 Hệ thống y tế tư nhân tại Hà Nội ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, tuy nhiên, hầu như hình thành tự phát, chưa nằm trong quy hoạch tổng thể của mạng lưới y tế thủ đô. Vai trò của các CSYTTN còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng nói chung và mạng lưới phòng chống Lao nói riêng.19
Cho tới nay, chưa nghiên cứu nào cung cấp những bằng chứng cụ thể về những tác động của mô hình PPM đối với thực trạng sàng lọc và chẩn đoán lao tại Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là, mô hình PPM mang lại hiệu quả như thế nào trong cải thiện tỉ lệ sàng lọc, chẩn đoán và chuyển gửi NB Lao tới các CSYT thuộc mạng lưới CTCLQG? Các hoạt động trong mô hình có thực sự hữu ích trong việc cải thiện năng lực của hệ thống y tế tư nhân đối với công tác sàng lọc và chẩn đoán NB Lao? Đâu là những rào cản đối với việc triển khai các hoạt động PPM? Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Hiệu quả của mô hình phối hợp y tế công – tư trong cải thiện năng lực sàng lọc và chẩn đoán lao tại một số cơ sởy tế tư nhân tại Hà Nội ” với mục tiêu:
1. Mô tả thực trạng năng lực sàng lọc và chẩn đoán lao tại một số cơ sở y tế tư nhân tại thành phố Hà Nội năm 2020.
2. Đánh giá hiệu quả của mô hình phối hợp y tế công tư trong cải thiện năng lực sàng lọc và chẩn đoán lao tại một số cơ sởy tế tư nhân tại thành phố Hà Nội
Nguồn: https://luanvanyhoc.com