Kết quả bước đầu trong tái tạo tổn khuyết khoang miệng bằng vạt dưới cằm
Kết quả bước đầu trong tái tạo tổn khuyết khoang miệng bằng vạt dưới cằm
Lê Ngọc Sơn, Đặng Triệu Hùng
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả bước đầu tái tạo tổn khuyết khoang miệng bằng vạt dưới cằm. Nghiên cứu sử dụng thiết kế nghiên cứu mô tả chùm ca bệnh trên 12 bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ ung thư khoang miệng và tạo hình tức thì bằng vạt dưới cằm tại khoa Răng Hàm Mặt và khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, từ 10/2019 đến 04/2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số 12 bệnh nhân, tuổi trung bình là 62,1 ± 12, tỉ số nam/nữ là 1/1. Trong đó có 6 bệnh nhân ung thư ở sàn miệng, 5 bệnh nhân ở lưỡi, 1 bệnh nhân ở lợi-hàm dưới. Thời gian phẫu thuật trung bình là 175 ± 27 phút, thời gian nằm viện trung bình là 13,3 ± 4,4 ngày. Không có trường hợp nào hoại tử vạt toàn bộ, 11 bệnh nhân có vạt lành thương tốt, 1 bệnh nhân bị hoại tử một phần vạt. Chức năng phát âm và nuốt sau mổ ít nhất 6 tháng đều đạt kết quả tốt và trung bình ở tất cả các bệnh nhân. Phương pháp phẫu thuật tái tạo tổn khuyết khoang miệng bằng vạt dưới cằm là lựa chọn tạo hình thích hợp cho các tổn khuyết sau cắt bỏ khối u khoang miệng, ít biến chứng và kết quả phục hồi chức năng nói, nuốt tốt.
Các tổn khuyết hàm mặt thường là kết quả của chấn thương hoặc do phẫu thuật ung thư. Ba thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các phương pháp tạo hình tổn khuyết khoang miệng. Hầu hết các tổn khuyết có thể được tạo hình tức thì, mang lại sự phục hồi sớm và tốt hơn về hình thái và chức năng.1Hiện nay, các vạt vi phẫu vẫn được xem là nền tảng chính cho tạo hình mô mềm khoang miệng vì chúng cung cấp lượng lớn mô khỏe mạnh từ các vị trí xa phẫu trường, đặc biệt khi vị trí phẫu thuật chứa mô ung thư hoặc đã xạ trị trước đó.2 Tuy nhiên, không phải mọi bệnh nhân đều là đối tượng thích hợp cho phẫu thuật vi mạch, do đó vạt tại chỗ vẫn có một vai trò quan trọng, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi hoặc những người có các bệnh toàn thân phối hợp.3Kể từ khi được Martin giới thiệu vào năm 1993, vạt dưới cằm ngày càng được sử dụng rộng rãi để tạo hình đầu và cổ.4 Vạt dưới cằm đã được công nhận là một vạt tại chỗ hữu ích để tạo hình khoang miệng với độ tin cậy cao, tổn thương ở vị trí cho vạt thấp và thời gian phẫu thuật ngắn, trong khi vẫn duy trì được chức năng nói và nuốt. Gần đây nhất vào năm 2020,Amin AA và cộng sự đã công bố báo cáo sử dụng vạt dưới cằm có cuống dựa trên mạch dưới cằm đối bên trong tạo hình các tổn khuyết khoang miệng nhằm tránh nguy cơ từ hạch di căn cùng bên.
Kết quả bước đầu trong tái tạo tổn khuyết khoang miệng bằng vạt dưới cằm