Kết quả điều trị phồng màng descemet do viêm loét giác mạc nhiễm trùng bằng ghép giác mạc lớp trước sâu
Kết quả điều trị phồng màng descemet do viêm loét giác mạc nhiễm trùng bằng ghép giác mạc lớp trước sâu
Nguyễn Thế Hồng, Phạm Ngọc Đông, Phạm Trọng Văn1
1 Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đánh giá kết quả điều trị phồng màng Descemet do viêm loét giác mạc nhiễm trùng bằng phẫu thuật ghép giác mạc lớp trước sâu. Thử nghiêm lâm sàng tiến cứu không đối chứng trên 24 mắt (của 24 bệnh nhân) phồng màng Descemet do viêm loét giác mạc nhiễm trùng được phẫu thuật ghép giác mạc lớp trước sâu tại bệnh viện Mắt Trung ương từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 6 năm 2020. Trong nghiên cứu, 91,7% số mắt đạt kết quả bảo tồn và tái tạo cấu trúc nhãn cầu. 2/24 mắt (8,3%) loét giác mạc tái phát, phải phẫu thuật ghép giác mạc xuyên. Thị lực LogMAR sau mổ là 1,63 ± 0,28, có cải thiện so với thị lực LogMAR trước phẫu thuật 2,09 ± 0,16 (P < 0,05). Tỷ lệ mảnh ghép trong là 45,8% và 8.4% số mắt có mảnh ghép đục hoàn toàn. Biến chứng phẫu thuật gồm thủng màng Descemet (20,8%); tiền phòng kép (41,7%); nếp gấp màng Descemet (58,3%) và tân mạch mảnh ghép, diện ghép (41,7%). Ghép giác mạc lớp trước sâu là một lựa chọn hiệu quả và an toàn để bảo tồn và tái tạo cấu trúc nhãn cầu trong trường hợp phồng màng Descemet do viêm loét giác mạc nhiễm trùng.
Phồng màng Descemet do viêm loét giác mạc nhiễm trùng là một bệnh lý cấp cứu trong nhãn khoa, có nguy cơ cao gây thủng giác mạc, dẫn tới mất sự toàn vẹn của nhãn cầu.1 Thủng giác mạc có thể gây các biện chứng như xẹp tiền phòng, viêm nội nhãn, glôcôm và đục thể thủy tinh thứ phát làm tổn hại thị lực nghiêm trọng, thậm chí phải bỏ nhãn cầu. Vì vậy, bệnh lý này cần được điều trị phẫu thuật càng sớm càng tốt nhằm phục hồi sự bền vững của giác mạc, bảo tổn sự toàn vẹn của nhãn cầu và một phần thị lực của bệnh nhân. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào kích thước, vị trí phồng màng Descemet và thị lực mong muốn sau phẫu thuật.2 Một số phẫu thuật có thể được lựa chọn gồm: ghép màng ối, phủ kết mạc, ghép giác mạc (gồm ghép giác mạc xuyên và ghép giác mạc lớp).2 Trong đó, ghép màng ối và phủ kết mạc là các phương pháp điều trị tạm thời và kết quả thị lực sau mổ thường không cao.3,4 Ghép giác mạc xuyên là phẫu thuật kinh điển, nhưng còn khá nhiều các biến chứng như tỷ lệ thất bại (đục mảnh ghép), biến chứng do mở nhãn cầu, đục thể thủy tinh, tăng nhãn áp sau mổ và thải ghép còn cao.5Mặt khác, ghép giác mạc xuyên đòi hỏi phải có giác mạc hiến có mật độ tế bào nội mô cao, không phải khi nào cũng có sắn trong điều kiện khan hiếm giác mạc hiến như ở Việt Nam. Gần đây, phẫu thuật ghép giác mạc lớp trước sâu là một sự lựa chọn thay thế nhằm hạn chế các biến chứng do mờ nhãn cầu như viêm nội nhãn, xuất huyết, tránh được thải ghép nội mô và tận dụng được nguồn giác mạc hiến không đủ.