KHẢO SÁT HÌNH ẢNH HỞ ỐNG ĐỘNG MẠCH CẢNH VÀO TAI GIỮA

KHẢO SÁT HÌNH ẢNH HỞ ỐNG ĐỘNG MẠCH CẢNH VÀO TAI GIỮA

KHẢO SÁT HÌNH ẢNH HỞ ỐNG ĐỘNG MẠCH CẢNH VÀO TAI GIỮA
Đỗ Hải Thanh Anh*, Phạm Ngọc Hoa**, Ngô Trí Hùng***
TÓM TẮT :
Mở đầu: Động mạch cảnh trong trong xương đá là một cấu trúc giải phẫu quan trọng trong vùng xương thái dương. Bình thường, động mạch nằm trong ống động mạch cảnh có vách xương toàn vẹn. Khi có biến thể hở ống động mạch cảnh, vách xương này bị khuyết, khiến cho động mạch bộc lộ trực tiếp vào hòm nhĩ, đôi khi lồi vào trong hòm nhĩ, có thể bị chẩn đoán nhầm với tổn thương khác như u cuộn mạch, hoặc có thể bị tổn thương trong khi phẫu thuật tai, hoặc cũng có thể gây ra một số triệu chứng khác như ù tai kéo dài.

Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỉ lệ, đặc điểm dịch tễ của biến thể hở ống động mạch cảnh.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Thiết kế mô tả cắt ngang, phương pháp lấy mẫu hồi cứu. Thu thập hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của 862 xương thái dương (431 bệnh nhân, 245 nữ, 186 nam), máy chụp cắt lớp vi tính 64 lát cắt và 128 lát cắt, chụp xoắn ốc, độ dày lát cắt tái tạo 0,6-0,625mm, dựng hình đa mặt phẳng.

Kết quả: Hở ống động mạch cảnh vào tai giữa: tỉ lệ chung 27,8%, hở ống động mạch cảnh hai bên 21,3%, hở bên phải 26,2%, hở bên trái 29,5%. Hở bên phải: nữ 25,3%, nam 27,4% (p=0,6589), hở bên trái: nữ 31,8%, nam 26,3% (p=0,2411). Tuổi của nhóm có hở ống động mạch cảnh trung bình 52 đến 54 tuổi, cao hơn nhóm không hở, có ý nghĩa thống kê.

Kết luận: Hở ống động mạch cảnh là một biến thể quan trọng của động mạch cảnh trong đoạn trong xương đá, với tỉ lệ ghi nhận trong y văn dao động khá rộng, tuy nhiên trong nghiên cứu này ghi nhận tỉ lệ khá cao 27,8%. Không có sự khác biệt về bên và về giới. Tuổi của nhóm có hở ống động mạch cảnh trung bình 52 đến 54 tuổi, cao hơn nhóm không hở, có ý nghĩa thống kê.

https://thuvieny.com/khao-sat-hinh-anh-ho-ong-dong-mach-canh-vao-tai-giua/

Leave a Comment