KHẢO SÁT QUY TRÌNH LẬP KẾ HOẠCH ĐIỀU TRỊ BỆNH UNG THƯ CỔ TỬ CUNG BẰNG KỸ THUẬT XẠ TRỊ NGOÀI KẾT HỢP VỚI XẠ TRỊ ÁP SÁT TẠI BỆNH VIỆN UNG BƯỚU THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHẢO SÁT QUY TRÌNH LẬP KẾ HOẠCH ĐIỀU TRỊ BỆNH UNG THƯ CỔ TỬ CUNG BẰNG KỸ THUẬT XẠ TRỊ NGOÀI KẾT HỢP VỚI XẠ TRỊ ÁP SÁT TẠI BỆNH VIỆN UNG BƯỚU THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NGÔ TRUNG NGHIA1, ÂU DUY TÂN2
TÓM TẮT
Mục tiêu: Khảo sát quy trình lập kế hoạch xạ trị ngoài kết hợp xạ trị áp sát cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá sự tối ưu của quy trình và tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Đồng thời làm rõ tầm quan trọng của việc kết hợp xạ trị ngoài và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư cổ tử cung.
Đối tượng, phương pháp: Tiến hành nghiên cứu lý thuyết về ung thư cổ tử cung, về quy trình xạ trị và lập kế hoạch xạ trị ngoài kết hợp xạ trị áp sát cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu và đưa ra những dẫn chứng về tầm quan trọng của việc kết hợp xạ trị ngoài với xạ trị áp sát cho bệnh ung thư cổ tử cung.
Tiến hành thực nghiệm so sánh kế hoạch xạ trị ngoài đơn thuần với kế hoạch xạ trị kết hợp giữa xạ trị ngoài và xạ trị áp sát để đánh giá độ tối ưu giữa hai kế hoạch, thống kê hồi cứu 99 ca bệnh (từ tháng 11/2017 – 3/2018) đã được điều trị bằng phác đồ xạ trị kết hợp giữa xạ trị ngoài và xạ trịáp sát để đánh giá chất lượng các kế hoạch đã được lập, rút ra các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Kết quả: Kế hoạch 1: Xạ trị ngoài bằng kỹ thuật 3D-CRT kết hợp với xạ trị áp sát. Liều tối đa vào PTV là 50,6Gy, liều tối thiểu vào PTV là 39,0Gy, liều tối đa vào bàng quang là 51,4Gy, liều tối đa vào trực tràng là 49,8Gy. Quan sát biểu đồ DVH, đối chiếu với giới hạn liều vào bàng quang, trực tràng, ta nhận thấy bàng quang, trực tràng đều nằm trong ngưỡng an toàn. Như vậy, xạ trị ngoài hoàn toàn đạt yêu cầu đặt ra về liều vào cơ quan lành.
Các điểm bàng quang, trực tràng đều đạt yêu cầu về liều xạ trị áp sát theo ICRU 38 (≤ 5,6Gy). Khi kết hợp xạ trị ngoài và xạ trị áp sát, liều vào bướu lên đến hơn 68 Gy, nhưng vẫn đạt các tiêu chuẩn của ICRU 62, 38; cơ quan lành vẫn được bảo vệ tốt theo tiêu chuẩn.
Kế hoạch 2: Xạ trị ngoài bằng kỹ thuật 3D-CRT đơn thuần Liều tối đa vào PTV là 102,9%, liều tối thiểu vào PTV là 95%. Dựa theo tiêu chuẩn của ICRU 62: liều vào PTV phải đạt từ 95% đến dưới 107%. Như vậy kế hoạch Đợt 1A hoàn toàn đạt yêu cầu về liều vào bướu. Tuy nhiên, quan sát biểu đồ DVH, ta thấy trực tràng đã nhận liều vượt quá giới hạn liều vào thể tích. Đối chiếu với liều giới hạn đối với trực tràng là V50 < 50%, nghĩa là thể tích trực tràng nhận liều 50Gy phải dưới 50%. Ở Đợt 1A, V50 của trực tràng đã lên đến 100%, trực tràng đã hoàn toàn bị quá liều, không thể tiếp tục nâng liều vào bướu được nữa do có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trực tràng, vì vậy không cần đánh giá đợt bổ sung. Thống kê hồi cứu: Tổng liều cực tiểu vào bướu đều đạt trên 68Gy, nghĩa là liều trung bình vào bướu có khả năng đạt từ 70 đến hơn 80Gy, chất lượng kiểm soát bướu được nâng cao rất nhiều so với chỉ xạ trị ngoài đơn thuần.
Tổng liều cực đại vào bàng quang và trực tràng đa số đều nằm dưới ngưỡng tổng liều giới hạn. Như vậy có nghĩa là liều trung bình vào bàng quang, trực tràng khi xạ trị kết hợp đều thấp hơn chuẩn vì ngay cả giá trị cực đại cũng chưa vượt qua chuẩn. Hiệu quả kiểm soát cơ quan lành đạt chất lượng cao. Như vậy có thể đánh giá được kế hoạch điều trị kết hợp xạ trị ngoài và xạ trị áp sát tại Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh đạt chất lượng cao.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com