KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ VỀ SỨC KHỎE SINH SẢN VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ NGÔ QUỐC TRỊ, HUYỆN VỊ THỦY, TỈNH HẬU GIANG NĂM 2020
KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ VỀ SỨC KHỎE SINH SẢN VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ NGÔ QUỐC TRỊ, HUYỆN VỊ THỦY, TỈNH HẬU GIANG NĂM 2020
Học viên: Nguyễn Hữu Thức
Giáo viên hướng dẫn: TS. Hoàng Khánh Chi
Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành, đây là giai đoạn quan trọng với tâm sinh lý vô cùng đặc thù, thích thử nghiệm, thích khám phá năng lực của bản thân, năng động và nay tuổi dậy thì đang có xu hướng dậy thì sớm, đối
mặt với các nguy cơ về sức khỏe sinh sản (SKSS) như quan hệ tình dục (QHTD) sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD)…sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và sự phát triển trong tương lai.
Bằng thiết kế nghiên cứu cắt ngang có phân tích, tiến hành thực hiện nghiên cứu ở 798 học sinh trường Trung học cơ sở Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2020 nhằm tìm hiểu, đánh giá kiến thức, thái độ về sức khỏe sinh sản và một số yếu tố liên quan.
Kết quả:
Về kiến thức: HS có kiến thức chung đúng chiếm 27,1%. HS có kiến thức đúng về biểu hiện dậy thì là 71,2%, trong đó HS nữ có kiến thức đúng về biểu hiện dậy thì ở nữ là 44,2%; HS nam có kiến thức đúng về biểu hiện dậy thì ở nam là 50,1%; kiến thức về BPTT là để tránh thai là 62,0%; kiến thức đúng về các BPTT chiếm 47,1%; kiến thức đúng về các bệnh LTQĐTD là 46,1%; kiến thức đúng về QHTD an toàn 9,4%. Về thái độ: HS có thái độ chung tích cực về SKSS VTN là 36,3%; HS đồng ý và hoàn toàn đồng ý về tuổi dậy thì là giai đoạn quan trọng của cuộc đời lần lượt là 49,2% và 20,7%; HS đồng ý và hoàn toàn đồng ý về bạn trai,bạn gái không được QHTD trước khi cưới là 26,6% và 17,2%; về khi kết hôn, bạn gái sẽ tự hào nếu cô ấy còn trinh trắng lần lượt là 35,6% và 17,9%. Mối liên quan đến kiến thức: HS nữ có kiến thức đúng cao hơn gấp 2,57 lần HS nam (OR=2,57, p<0,001). HS có học lực giỏi, khá có kiến thức đúng cao hơn gấp 3,65 lần HS có học lực trung bình, yếu (OR=3,65, p<0,001). HS có bố là nông dân có kiến thức đúng thấp hơn 0,58 lần HS có bố làm nghề khác (OR=0,58, p=0,002). HS có người trong gia đình nói chuyện về SKSS VTN có kiến thức đúng cao hơn gấp 3,88 lần HS còn lại (OR=3,88, p<0,001). HS chủ động tìm hiểu về giới tính và SKSS có kiến thức đúng cao hơn gấp 7,13 lần HS không chủ động tìm hiểu (OR=7,13, p<0,001). HS có sử dụng internet có kiến thức đúng cao hơn gấp 8,53 HS không sử dụng internet (OR=8,53, p<0,001). HS có xem phim kích dục có kiến thức đúng cao hơn gấp 1,80 lần so với HS không xem (OR=1,80, p=0,012). Chưa tìm được mối liên quan giữa tình trạng hôn nhâncủa bố mẹ, hoàn cảnh sống, nghề nghiệp của mẹ với kiến thức của HS (p>0,05). Mối liên quan đến thái độ: HS có bố là nông dân có thái độ đúng cao hơn gấp 1,35 lần HS có bố làm nghề khác (OR=1,35, p=0,049). HS có người trong gia đình nói chuyện về SKSS VTN có thái độ đúng cao hơn gấp 1,67 lần nhóm HS còn lại (OR=1,67, p=0,001). HS chủ động tìm hiểu về giới tính và SKSS có thái độ đúng cao hơn gấp 1,63 lần HS không chủ động tìm hiểu (OR=1,63, p=0,001). HS có kiến thức đúng có thái độ đúng cao hơn gấp 1,52 lần HS có kiến thức chưa đúng (OR=1,52, p=0,010). Chưa tìm được mối liên quan giữa giới tính, học lực của HS, tình trạng hôn nhân của bố mẹ, hoàn cảnh sống, nghề nghiệp của mẹ, sử dụng internet, xem phim kích dục với kiến thức của học sinh (p>0,05).
Khuyến nghị: Nhà trường cần tổ chức những lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về SKSS VTN cho giáo viên, bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông SKSS như dấu hiệu tuổi dậy thì, các BPTT, các bệnh LTQĐTD, quan hệ tình dục an toàn… cho học sinh THCS thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thảo luận nhóm, nói chuyện chuyên đề về SKSS. Song song đó bố mẹ HS cần tìm hiểu thông tin về SKSS, thường xuyên quan tâm chia sẽ với con mình để kịp thời giải đáp những thắc mắc cũng như tìm ra hướng giải quyết khó khăn về SKSS VTN mà các em gặp phải trong cuộc sống hàng ngày
Nguồn: https://luanvanyhoc.com