Mối liên quan giữa đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương thận trên sinh thiết thận ở trẻ viêm thận lupus tăng sinh
Mối liên quan giữa đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương thận trên sinh thiết thận ở trẻ viêm thận lupus tăng sinh
Lương Thị Phượng, Nguyễn Thị Diệu Thúy, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Ngọc Huy, Dương Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Thùy Liên, Nguyễn Thu Hương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Viêm thận lupus (LN) là biến chứng nặng của lupus ban đỏ hệ thống (SLE). Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 73 trẻ LN mới (78,1% nữ và 21,9% nam) có kết quả sinh thiết thận tại thời điểm chẩn đoán LN tăng sinh (lớp III 46,6%, lớp IV 53,4%), tuổi trung bình 10,86 nhằm đánh giá mối liên quan giữa lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương thận trên sinh thiết thận. Triệu chứng hay gặp là tổn thương da (82,2%), thiếu máu (72,6%), phù (65,8%), đái máu (65,8%), đau khớp 43,8% và tăng huyết áp (27,4%). Cao huyết áp và đái máu gặp nhiều ở LN lớp IV hơn lớp III (p < 0,05). Protein niệu ngưỡng thận hư gặp ở 69,9% trẻ, với 50,7% hội chứng thận hư. 39,7% trẻ giảm mức lọc cầu thận (MLCT). MLCT < 90 ml/phút/1,73m2 và protein niệu ngưỡng thận hư làm tăng nguy cơ mắc LN lớp IV với OR lần lượt 3,79 và 4,889 (p < 0,01). Đa số trẻ có mức độ hoạt động bệnh SLE theo thang điểm SLEDAI mạnh và rất mạnh (lần lượt 74% và 9,6%), không có sự khác biệt giữa LN lớp III và IV.
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một rối loạn tự miễn dịch thường có tổn thương đa cơ quan do tạo ra các tự kháng thể.1 SLE biểu hiện lâm sàng rất đa dạng từ biểu hiện tương đối nhẹ như phát ban da hoặc viêm khớp không ăn mòn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng như viêm thận lupus, rối loạn tâm thần kinh và tổn thương tim mạch.2 Viêm thận lupus (LN-Lupus Nephritis) là biểu hiện thường gặp của bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE) và có vai trò quan trọng trong tiên lượng bệnh.3 Viêm thận lupus xuất hiện ở khoảng 25% bệnh nhân lupus tại thời điểm chẩn đoán, sau đó xuất hiện ở 60% người lớn và 80% trẻ lupus.4,5 Biểu hiện lâm sàng của viêm thận lupus rất đa dạng, có thể là các thay đổi nhỏ trong xét nghiệm nước tiểu như tiểu máu, protein niệu, bạch cầu niệu hoặc biểu hiện nặng như hội chứng viêm thận, hội chứng thận hư, tăng huyết áp, suy thận.6-8 Tất cả các hướng dẫn điều trị viêm thận lupus đều khuyến cáo cần phải sinh thiết thận khi nghi ngờ có tổn thương thận ở bệnh nhân lupus vì tất cả các biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm không thể dự đoán chính xác tổn thương mô bệnh học thận. Các nghiên cứu quan sát được thực hiện đã cho thấy bệnh nhân có tổn thương viêm cầu thận tăng sinh (lớp III, IV và lớp V) có nguy cơ tiến triển đến bệnh thận mạn (CKD) và tỷ lệ tử vong lần lượt là 25% và 13%.5,9,10 Tuy nhiên sinh thiết thận là thủ thuật xâm nhập có khả năng xuất hiện biến chứng nặng như chảy máu, nhiễm trùng nên chỉ thực hiện được khi tình trạng bệnh nhân cho phép.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com