Mối tương quan giữa sự thay đổi một số chỉ số nhân trắc và tăng huyết áp ở người dân tại Từ Liêm, Hà Nội năm 2018
Mối tương quan giữa sự thay đổi một số chỉ số nhân trắc và tăng huyết áp ở người dân tại Từ Liêm, Hà Nội năm 2018
Trần Thị Thanh Hương1,2, Nguyễn Thị Thúy Linh3
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Viện ung thư Quốc gia
3 Viện Ung thư quốc gia
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Tăng huyết áp là bệnh chuyển hóa có thể dự phòng và kiểm soát tốt thông qua thói quen sinh hoạt hàng ngày. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp, các chỉ số nhân trắc cũng có liên quan đến tình trạng này. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu mối tương quan giữa tăng huyết áp và sự thay đổi một số chỉ số nhân trắc và hành vi của người dân 40-70 tuổi. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang sử dụng bộ câu hỏi chuẩn và được hiệu chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Thông tin thu thập trên 400 người dân từ 40-70 tuổi trên địa bàn 2 quận Nam và Bắc Từ Liêm từ tháng 1-12/2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người có cân nặng tăng từ 10 đến dưới 20 kg và những người tăng ≥ 20kg có nguy cơ THA cao lần lượt gấp 2,2 và 4,1 lần so với những người có cân nặng giảm/tăng không quá 5 kg. Tỷ lệ THA ở nhóm tăng từ 10 đến dưới 20 kg cao gấp 5,24 lần so với nhóm giảm/tăng không quá 5 kg. Các mối tương quan trên đều có ý nghĩa thống kê.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 1 tỷ người tăng huyết áp và dự kiến sẽ tăng lên 1,5 tỷ người vào năm 2025. Được gọi với cái tên “Kẻ giết người thầm lặng” tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm với khoảng 10 triệu người năm 2015, trong đó có 4,9 triệu người do bệnh mạch vành và 3,5 triệu người do đột quỵ. Tăng huyết áp (THA) cũng là yếu tố nguy cơ chính của suy tim, rung nhĩ, bệnh thận mạn, bệnh mạch máu ngoại vi, suy giảm chức năng nhận thức.¹Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc THA tăng lên nhanh chóng, chỉ từ 11,5% người trưởng thành năm 1990 lên đến 25,1% năm 2008, hiện nay có khoảng 13 triệu người ở Việt Nam bị tăng huyết áp.² Một nghiên cứu thống kê trên toàn bộ người trưởng thành từ 18 tuổi tại một tỉnh Bắc Bộ cho thấy 97% người mắc THA ở độ tuổi từ 40 trở lên trong đó tuổi từ 40 – 49 chiếm 8,8%, điều này cho thấy THA đang có xu hướng trẻ hóa.³ Mặc dù nguy hiểm, nhưng tăng huyết áp và các bệnh chuyển hóa nói chung vẫn có thể được dự phòng và kiểm soát tốt, đặc biệt chỉ nhờ vào những thói quen sinh hoạt hàng ngày. Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.¹ Song, mối liên quan cụ thể hơn trong thay đổi các chỉ số nhân trắc như cân nặng, chiều cao, BMI ở người châu Á, và đặc biệt là ở Việt Nam còn chưa đầy đủ và rõ ràng.