Thực trạng tăng huyết áp và nguy cơ ngã ở người cao tuổi điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương
Thực trạng tăng huyết áp và nguy cơ ngã ở người cao tuổi điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương
Hà Thị Vân Anh1,2, Nguyễn Trung Anh1,2, Phạm Thắng1,2, Vũ Thị Thanh Huyền1,2
1 Bệnh viện Lão khoa Trung ương
2 Trường Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu đánh giá thực trạng tăng huyết áp (THA) và mối liên quan với nguy cơ ngã ở bệnh nhân ngoại trú cao tuổi. Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 529 bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, không suy giảm nhận thức đến khám tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương từ tháng 01 – 12/2018. Kết quả đã chỉ ra tỷ lệ THA là 55,4% (94,5% THA được điều trị và 48,5% kiểm soát được huyết áp mục tiêu), cứ 5 bệnh nhân ≥ 60 tuổi có 1 người nguy cơ ngã cao (21%); các tỷ lệ này tăng dần khi tuổi tăng lên. Tỷ lệ bệnh nhân có nguy cơ ngã cao ở nhóm THA lớn hơn so với nhóm không THA, p < 0,001. Kết quả nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố liên quan đến nguy cơ ngã cao, bao gồm: tuổi ≥ 80 (OR 5,44; 95%CI: 2,28-12,96), bệnh nhân THA (OR 1,93; 95%CI: 1,13-3,28), tiền sử ngã trong 1 năm trước tham gia nghiên cứu (OR 3,77; 95%CI: 1,96 – 7,25), trong khi THA điều trị kiểm soát được HA mục tiêu là yếu tố bảo vệ (OR 0,42; 95%CI: 0,25-0,71). THA phổ biến ở người cao tuổi và có liên quan với tăng nguy cơ ngã. Điều trị THA và kiểm soát huyết áp mục tiêu là cần thiết để giảm nguy cơ ngã.
Tăng huyết áp (THA) được biết đến là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới do các biến chứng về tim mạch.¹ Tỷ lệ phổ biến và mức độ nghiêm trọng của THA tăng lên theo tuổi gây ra gánh nặng tài chính lớn ở Việt Nam và toàn cầu.² Khoảng 70% người ≥ 65 tuổi sống trong cộng đồng bị THA, tuy nhiên chỉ một nửa trong số đó được kiểm soát huyết áp (HA) bằng điều trị.³ Không tuân thủ điều trị hoặc không thực hiện thay đổi lối sống phù hợp là lý do phổ biến dẫn đến HA tăng không kiểm soát được, đây là nguy cơ dẫn đến các kết quả bất lợi của bệnh tim mạch, làm xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, phù. Những triệu chứng này được xem như các yếu tố ảnh hưởng đến sự di chuyển và kiểm soát thăng bằng làm tăng nguy cơ ngã.⁴ Người THA có tốc độ xử lý điều chỉnh dáng đi và thăng bằng chậm hơn, khả năng vận động và sợ ngã cao hơn so với người không THA,⁵ dẫn đến họ dễ bị ngã hơn. Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội lão khoa Anh đã đồng thuận khuyến cáo sử dụng bài kiểm tra “thời gian đứng dậy và đi” để sàng lọc các trường hợp có nguy cơ ngã.
https://thuvieny.com/thuc-trang-tang-huyet-ap-va-nguy-co-nga-o-nguoi-cao-tuoi-dieu-tri-ngoai-tru/