MỘT SỐ YẾU TỐ KINH TẾ-XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG ĐẾN THÓI QUEN CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CHO CON CỦA BỐ MẸ HỌC SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
MỘT SỐ YẾU TỐ KINH TẾ-XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG ĐẾN THÓI QUEN CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CHO CON CỦA BỐ MẸ HỌC SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Nguyễn Thị Oanh1, Võ Trương Như Ngọc1, Lê Hưng2, Trần Tuấn Anh3
1 Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Hà Nội
2 Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội
3 Bệnh viện Becamex Bình Dương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: 1) Mô tả một số yếu tố kinh tế – xã hội của bố mẹ nhóm học sinh Tiểu học tại tỉnh Vĩnh Phúc; 2) Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế – xã hội của bố mẹ nhóm học sinh Tiểu học trên đến thói quen chăm sóc răng miệng của nhóm học sinh Tiểu học tỉnh Vĩnh Phúc. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Đối tượng nghiên cứu: 313 học sinh lớp 3 và 313 phụ huynh học sinh tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả: Các yếu tố kinh tế – xã hội – hành vi của bố mẹ ảnh hưởng đến thực hành chăm sóc sức khỏe răng miệng của học sinh bao gồm: Học vấn của bố mẹ, tổng thu nhập gia đình, số lần đánh răng của bố mẹ. Kết luận: Qua kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố kinh tế – xã hội – hành vi của bố mẹ có ảnh hưởng đến chăm sóc sức khoẻ răng miệng của con. Đồng thời nghiên cứu này là cơ sở để triển khai các biện pháp can thiệp nhằm tăng kiến thức, thực hành chăm sóc răng miệng của trẻ.
Các yếu tố kinh tế -xã hội bao gồm lối sống, kiến thức, hành vi và khả năng tài chính. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến đặc quyền xã hội cũng như liên quan đến việc tạo ra hành vi bảo vệ hoặc chăm sóc, và nâng cao sức khoẻ. Các yếu tố như tình trạng sức khỏe, thu nhập, môi trường và giáo dục được nghiên cứu bởi các nhà xã hội học về cách chúng ảnh hưởng đến hành vi và hoàn cảnh của con người. Đó là những kinh nghiệm của thực tế xã hội và kinh tế giúp đúc kết hình thành tính cách, thái độ và lối sống của một người. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố kinh tế -xã hội như: Học vấn, nghề nghiệp của bố mẹ, thu nhập của gia đình, anh chị em…, sự tiếp cận với fluor: nguồn nước, khả năng tiếp cận với các dịch vụ nha khoa như sự xa cách về địa lý, thời gian, khả năng chi trả có ảnh hưởng đến thói quen chăm sóc răng miệng và tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng của trẻ [1,2].Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra tình hình răng miệng toàn quốc của Viện răng hàm mặt (RHM) năm 2001, có trên 90% dân số mắc bệnh răng miệng. Theo kết quả điều tra 2019 ở lứa 6 tuổi tỷ lệ sâu răng sữa là 85,6%, lứa tuổi 6-8 tỷ lệ sâu răng sữa là 86,4%, sâu răng vĩnh viễn là 20,9%, lứa 12 tuổi sâu răng vĩnh viễn là 44,8%, chảy máu lợi 54,5% [3].Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, là một trong số các tỉnh đã được triển khai các chương trình giáo dục chăm sóc sức khỏe răng miệng, nhưng chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao, tỷ lệ sâu răng vẫn cao, theo nghiên cứu của Nguyễn Anh Sơn, năm 2019 tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn lứa tuổi 12ở Bình Xuyên là 63,6% [4].Thực trạng bệnh răng miệng như trên một phần lớn là do vấn đề chăm sóc răng miệng chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trẻ em. Có thể do các yếu tố kinh tế-xã hội tác động lên khả năng hiểu biết, học hỏi, thích nghi, thực hành, theo thời gian hình thành nên thói quen chăm sóc răng miệng của các em. Việc đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế -xã hội của bố mẹ đến thói quen chăm sóc răng miệng ở trẻ là vấn đề đáng được quan tâm. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Một số yếu tố kinh tế-xã hội của bố mẹ ảnh hưởng đến thói quen chăm sóc răng miệng ở một nhóm học sinh Tiểu học tỉnh Vĩnh Phúc”.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com