MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH TRẠNG DỰ TRỮ SẮT Ở TRẺ 11 – 14 TUỔI TẠI VÙNG DÂN TỘC, TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM 2018
MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH TRẠNG DỰ TRỮ SẮT Ở TRẺ 11 – 14 TUỔI TẠI VÙNG DÂN TỘC, TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM 2018
Nguyễn Song Tú1, Hoàng Nguyễn Phương Linh1, Nguyễn Thúy Anh1
1 Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Thiếu máu do thiếu sắt là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu cắt ngang trên 571 trẻ 11 – 14 tuổi tỉnh Điện Biên để mô tả một số yếu tố liên quan đến tình trạng dự trữ sắt trong huyết thanh. Phân tích tương quan đa biến tuyến tính cho thấy nồng độ hemoglobin và 25-Hydroxy vitamin D huyết thanh, chỉ số Zscore chiều cao theo tuổi, chỉ số BMI/tuổi liên quan với hàm lượng ferritin huyết thanh. Phân tích hồi qui logistic đa biến cho thấy quy mô hộ gia đình, người dân tộc H’mông, tình trạng vitamin D thiếu và thấp, tình trạng dậy thì có liên quan đến tình trạng dự trữ sắt thấp và cạn kiệt. Do đó, cần triển khai cải thiện chất lượng bữa ăn tại trường và hộ gia đình, tăng cường hoạt động thể lực ngoài trời, lưu ý can thiệp đặc thù theo dân tộc, tình trạng sinh lý để cải thiện tình trạng dự trữ sắt của trẻ.
Hầu hết lượng sắt trong cơ thể tham gia vào quá trình tạo hồng cầu, tức là quá trình sản xuất các tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy tới các tổ chức trong cơ thể. Nồng độ ferritin huyết thanh phản ánh tình trạng dự trữ sắt của cơ thể. Khi dự trữ sắt cạn kiệt bởi nồng độ sắt trong huyết thanh thấp kết hợp với thiếu máu sẽ gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu do thiếu sắt là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên toàn cầu.Thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng đến hơn 1,2 tỷ người trên toàn thế giới [1]. Thiếu sắt xảy ra trong cơ thể là do nhu cầu sắt tăng cao: thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ có thai; hoặc giảm lượng sắt ăn vào hoặc do bệnh lý kém hấp thu, mất máu mạn tính [1]. Theo ước tính, thế giới có khoảng 30 -40% đối tượng thiếu sắt bị thiếu máu [2]; Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu vẫn còn cao, là 37,9% ở trẻ tiểu học vùng khó khăn, vùng dân tộc; ở trẻ trung học cơ sở vùng dân tộc, tỉnh Yên Bái, tỷ lệ thiếu máu là 26,9%; dự trữ sắt cạn kiệt là 7,4%; thiếu máu thiếu sắt 1,5% [3].Căn nguyên phức tạp của thiếu máu, bao gồm thiếu máu do thiếu sắt và vai trò của viêm và nhiễm trùng đối với thiếu máu thiếu sắt đã được các nghiên cứu gần đây chứng minh. Tình trạng thiếu máu thay đổi theo lứa tuổi, giới tính, địa lý, tình trạng sinh lý, điều kiện kinh tế, nhiễm ký sinh trùng, chế độ ăn, kiến thức dinh dưỡng [2]; theo nhóm dân cư, bệnh truyền nhiễm và nguyên nhân khác. Yếu tốliên quan đến tình trạng dự trữ sắt đó là tiền sử dùng viên sắt khi có thai, tình trạng nhiễm khuẩn; tình trạng vitamin A, kinh tế hộ gia đình, số người trong hộ gia đình có liên quan đến tình trạng dự trữ sắt thấp và cạn kiệt; phần trăm mỡ cơ thể và hàm lượng vitamin A huyết thanh có liên quan với hàm lượng ferritin huyết thanh [4]. Tình trạng dự trữ sắt của cơ thể cần được xác định và tìm hiểu về nguyên nhân cơ bản để đưa ra các giải pháp can thiệp cụ thể, đặc biệt là với những đối tượng vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, một nghiên cứu đã được triển khai với mục tiêu xác định một số yếu tố liên quan đến tình trạng dự trữ sắt trong huyết thanh ở trẻ 11 –14 tuổi tại vùng dân tộc của tỉnh Điện Biên
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Dự trữ sắt, thiếu máu thiếu sắt, yếu tố liên quan, trung học cơ sở, dân tộc
Tài liệu tham khảo
1. Camaschella C. Iron deficiency. Iron Metabolism and Its Disorders. Blood, 2019. 133(1,3); 30-39.
2. Kassebaum NJ, Jasrasaria R, Naghavi M et al. A systematic analysis of global anemia burden from 1990 to 2010. Blood 2014; 123: 615-624.
3. Nguyễn Song Tú. Hiệu quả bổ sung đa vi chất đối với tình trạng vi chất dinh dưỡng và nhân trắc của trẻ gái từ 11-13 tuổi tại một số trường dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái. Báo cáo nghiệm thu đề tài cấp Viện Dinh dưỡng, 2022.
4. Nguyễn Song Tú, Nguyễn Hồng Trường và CS. Tình trạng dự trữ sắt, thiếu máu thiếu sắt và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ 15 – 35 tuổi các xã nghèo tỉnh Sơn La, năm 2018. Tạp chí Dinh dưỡng và thực phẩm, 2021; 17(3): 54-72.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com