Nghiên cứu áp dụng phương pháp đặt stent đường mật qua da trong điều trị tắc mật do u
Luận văn Nghiên cứu áp dụng phương pháp đặt stent đường mật qua da trong điều trị tắc mật do u.Tắc mật là tình trạng tăng Bilirubin gián tiếp trong máu do bít tắc đường mật trong gan hay ngoài gan.
Các nguyên nhân gây tắc mật ngoài gan được chia thành hai nhóm : lành tính và ác tính. Tắc mật do các nguyên nhân lành tính bao gồm sỏi mật, viêm đường mật dẫn tới chít hẹp đường mật, dị dạng đường mật… Tắc mật do các nguyên nhân ác tính bao gồm: ung thư đường mật thể chủ yếu là thể ngoài gan, u đầu tụy, di căn hạch vùng rốn gan gây chèn ép đường mật, u bóng Vater, u túi mật xâm lấn đường mật…[12]
Tại Mỹ, hàng năm phát hiện thêm 4.500 bệnh nhân mới mắc ung thư đường mật và ung thư túi mật, trong đó dưới 20% được chẩn đoán sớm, phần lớn được chẩn đoán ở giai đoạn đã xâm lấn xung quanh như giường túi mật, rốn gan…2/3 số bệnh nhân ung thư đường mật không còn chỉ định mổ cắt bỏ khối u [28]. Đoàn Thanh Tùng ghi nhận 102 trường hợp ung thư đường mật vùng rốn gan và 121 trường hợp ung thư vùng bóng Vater tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 2000 tới 2006. Tỷ lệ cắt bỏ UTĐMRG chỉ là 28%, tỷ lệ cắt bỏ UTVB là 59% [2]. Ung thư tụy chiếm 10% trong các loại ung thư của hệ tiêu hóa và chỉ 10% còn chỉ định mổ sau khi phát hiện. Các loại còn lại ít gặp hơn.
Tắc mật dẫn tới chất lượng cuộc sống và thời gian sống thêm của bệnh nhân giảm do các triệu chứng như đau hạ sườn phải, sốt, vàng da, ngứa, vàng mắt, ăn khó tiêu, xuất huyết, mạch chậm…
Tùy theo nguyên nhân, giai đoạn bệnh và thể trạng mà bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng các phương pháp khác nhau. Phẫu thuật cắt bỏ khối u khi thể trạng bệnh nhân tốt, khối u còn khu trú. Khi không thể phẫu thuật triệt căn, bệnh nhân được chỉ định một trong ba phương pháp: phẫu thuật tạm thời nối mật ruột, đặt stent đường mật qua nội soi hoặc đặt stent đường mật qua da. Mục đích của ba phương pháp này là giải quyết tình trạng tắc mật, từ đó nâng cao chất lượng sống và thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Mỗi phương pháp đều có các ưu và nhược điểm riêng.
Phương pháp nối mật ruột đem lại hiệu quả giải quyết tắc mật như hai phương pháp còn lại tuy nhiên người bệnh phải chịu một cuộc phẫu thuật.
Phương pháp đặt stent qua nội soi thường được chỉ định với các nguyên nhân gây tắc mật thấp, là thủ thuật ít xâm lấn nhất, tuy nhiên tỷ lệ thất bại cao hơn đặt stent đường mật qua da. Phương pháp này gặp khó khăn với các trường hợp đã phẫu thuật dạ dày, thực quản [32].
Phương pháp can thiệp đường mật qua da đầu tiên được thực hiện từ năm 1921 bởi Muller với thủ thuật dẫn lưu túi mật. Năm 1974, Molnar tiến hành dẫn lưu đường mật qua da trong điều trị tắc mật do khối u [37]. Phương pháp đặt stent đường mật qua da (Percutaneous Placement of Biliary Stents) là kỹ thuật đã được áp dụng khá rộng rãi trên thế giới với ưu điểm tỷ lệ thành công cao, rất ít biến chứng. Phương pháp được tiến hành bằng cách chọc kim qua da, đặt ống thông (stent) qua chỗ hẹp, tắc của đường mật, giúp dịch mật có thể lưu thông tốt xuống tá tràng. Tình trạng tắc mật được loại bỏ mà bệnh nhân không phải chịu một cuộc phẫu thuật. Từ đó chất lượng sống của bệnh nhân được nâng cao và thời gian sống bệnh nhân được kéo dài.
Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào về phương pháp đặt stent kim loại vào đường mật qua da. Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức là trung tâm đầu tiên áp dụng kỹ thuật này với hiệu quả bước đầu rất khả quan. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài:
“Nghiên cứu áp dụng phương pháp đặt stent đường mật qua da trong điều trị tắc mật do u”, với hai mục tiêu:
1. Nhận xét về kỹ thuật đặt stent đường mật qua da trong điều trị tắc mật do u.
2. Nhận xét về kết quả của phương pháp đặt stent đường mật qua da trong điều trị tắc mật do u.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt:
1. Đỗ Mai Dung, Nguyễn Thị Nga, Vi Quỳnh Hoa (2005), “Góp phần nghiên cứu giá trị của CA 19-9 trong chẩn đoán ung thư đường mật từ 1999-2004” Y học việt nam, 310, 53-57.
2. Đoàn Thanh Tùng và cộng sự (2008), “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chẩn đoán và điều trị ung thư đường mật”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Y học Việt Nam, 323: 88-106.
3. Lê Thanh Dũng, Nguyễn Duy Huề (2005), “Vai trò chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán ung thư đường mật vùng rốn gan và ống mật chủ”. Y học Việt Nam, 310: 69-86.
4. Nguyễn Quốc Vinh, Đặng Tâm (2010), “Vai trò dẫn lưu mật và đặt stent qua da trong điều trị giảm nhẹ tắc mật do bệnh ác tính” Y học Thành phố Hồ Chí Minh 1: 98-103.
5. Nguyễn Tiến Quyết (2005), “ Ung thư đường mật ngoài gan”. Y học Việt Nam 310:18-25.
6. Phạm Thị Bình (2005), “Nghiên cứu giá trị của phương pháp chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi trong chẩn đoán nguyên nhân gây tắc mật ngoài gan”, Y học Việt Nam 2002 Số chuyên đề tiêu hóa: 45-60.
7. Trường đại học Y Hà Nội (2008). “Giải phẫu học”. Chương gan, đường mật ngoài gan, cuống gan. Nhà xuất bản Y học 13-271/YH: 253-262.
8. Trường đại học Y Hà Nội (2001), “ Bài giảng chẩn đoán hình ảnh – Chẩn đoán hình ảnh bộ máy tiêu hóa và cấp cứu bụng ” Nhà xuất bản Y học 684/CXB/27 :35-93.
Nghiên cứu áp dụng phương pháp đặt stent đường mật qua da trong điều trị tắc mật do u