Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả kết hợp quân- dân y phát hiện và quản lý lao phổi tại tỉnh Hà Giang

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả kết hợp quân- dân y phát hiện và quản lý lao phổi tại tỉnh Hà Giang

Luận án tiến sĩ y học Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả kết hợp quân- dân y phát hiện và quản lý lao phổi tại tỉnh Hà Giang.Bệnh lao là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong trong các bệnh truyền nhiễm, chỉ đứng sau HIV/AIDS, khoảng ¼ dân số thế giới bị nhiễm lao. Năm 2013, ước tính có khoảng 9 triệu trường hợp mắc lao mới và khoảng 1,1 triệu người chết do lao [1], [2], [3]. Bệnh lao có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ mắc và tử vong cao hơn ở vùng sâu, vùng xa, nơi có lực lượng y tế mỏng và yếu, nơi có điều kiện giao thông không thuận lợi, dân trí thấp, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, sống chật chội, dinh dưỡng kém [4], [5], [6], [7], [8].

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2013, Việt Nam thuộc nhóm các nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng 12/22 nước có có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, đứng thứ 14 trong số 27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Philippines [1], [2], [3].
Theo báo cáo của Chương trình chống lao Quốc gia năm 2013, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện là 100.721 người và tỷ lệ phát hiện lao các thể là 111,2/100.000 dân. Trong đó có 50.031 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới chiếm 49,7%, tỷ lệ phát hiện lao phổi AFB (+) mới là 55,2/100.000 dân. Mục tiêu của Chương trình chống lao Quốc gia năm 2013 là tỷ lệ phát hiện lao các thể là 110/100.000 dân và tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân AFB (+) mới trên 85% [9]. Phát hiện lao sớm đặc biệt quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát bệnh lao hiệu quả trong cộng đồng, làm giảm tỷ lệ lây lan và góp phần thanh toán bệnh lao. Để tăng hiệu quả phát hiện lao sớm, nhiều quốc gia trên thế giới và trong đó có Việt Nam đã triển khai mô hình phát hiện lao chủ động thông qua chụp X- quang ngực chuẩn [10], [11], [12]. Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, công tác phòng chống lao gặp nhiều khó khăn do đường xá hiểm trở, đi lại khó khăn, địa bàn rừng2 núi, hầu hết các xã thuộc vùng sâu, vùng xa (trừ thành phố Hà Giang và một số thị trấn), địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa, thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí thấp [13]. Trên địa bàn tỉnh có 22 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (H’Mông: 32,98%; Tày: 23,15%; Dao: 4,82%, Nùng: 10%…). Hệ thống y tế cơ sở mỏng, nguồn lực và trang thiết bị y tế còn thiếu, nhiều xã còn chưa có trạm y tế. Năm 2013, tỉnh Hà Giang chỉ có 177/195 xã, phường, thị trấn, cơ quan xí nghiệp có trạm y tế [13], [14]. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, lực lượng bộ đội đội địa phương, bộ đội biênphòng, đoàn kinh tế quốc phòng đóng quân ở các huyện, địa bàn vùng sâu, vùng xa có nhiều cán bộ quân y thường trực, có thể đảm nhiệm khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân theo Thông tư liên tịch số 08 ngày 16/3/2005 giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế [15].
Do đặc điểm khó khăn của tỉnh Hà Giang nên tỷ lệ phát hiện lao phổi của tỉnh còn thấp, năm 2013 lao phổi AFB (+) mới chỉ phát hiện được là 54,6/100.000 dân, thấp hơn tỷ lệ phát hiện của cả nước [9]. Để làm tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lao phổi ở tỉnh Hà Giang, từ năm 2013, Chương trình chống lao Quốc gia đã phối hợp với Học viện Quân y triển khai dự án tăng cường phát hiện lao tại tỉnh Hà Giang và một số địa bàn vùng sâu, vùng xa khác. Vì vậy, chúng tôi tiến hành “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả kết hợp quân- dân y phát hiện và quản lý lao phổi tại tỉnh Hà Giang” với mục tiêu:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh lao phổi tại tỉnh Hà Giang.
2. Đánh giá kết quả kết hợp quân- dân y trong phát hiện và quản lý bệnh lao phổi tại tỉnh Hà Giang

Leave a Comment