Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, yếu tố liên quan và kết quả điều trị ung thư da tế bào vảy bằng phẫu thuật
Luận án Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, yếu tố liên quan và kết quả điều trị ung thư da tế bào vảy bằng phẫu thuật.Hiện nay, khi tình trạng công nghiệp hóa ngày càng nhanh, môi trường càng ngày càng bị ô nhiễm dẫn đến sự gia tăng đáng kể các bệnh ung thư trong đó có ung thư da.
Ung thư da là các loại u ác tính khác nhau xuất phát từ da hoặc các thành phần phụ của da. Trong các loại ung thư da, ba loại hay gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC/Basal cell carcinoma), ung thư da biểu mô tế bào vảy hay ung thư da biểu mô tế bào gai (SCC/Squamous cell carcinoma) và ung thư tế bào hắc tố (Melanoma).
Ung thư da biểu mô vảy (UTDBMV) là loại ung thư da thâm nhiễm tiên phát, xuất phát từ tế bào sừng của da hay niêm mạc và thường xuất hiện trên một thương tổn tiền ung thư như dầy sừng ánh sáng, bạch sản hay các sẹo bỏng trước đó [1]. Ung thư da biểu mô vảy chiếm khoảng 20% các ung thư da và đứng thứ 2 sau ung thư biểu mô tế bào đáy. Mặc dù ít gặp hơn nhưng ung thư da biểu mô vảy lại nguy hiểm hơn nhiều so với ung thư biểu mô đáy vì nguy cơ tái phát và di căn hạch, di căn nội tạng, đồng thời chiếm đa số các ca tử vong hàng năm do ung thư da không phải ung thư hắc tố gây nên [2]. Trong nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ UTDBMV ngày càng tăng, lên đến 253% ở nam và 350% ở nữ trong khoảng từ năm 1979/1980 đến 1993/1994 theo nghiên cứu của Hao Wang và cộng sự tại New Hampshire USA [3].
Các yếu tố nguy cơ của UTDBMV cũng được nhiều nghiên cứu đề cập tới. Yếu tố được đề cập nhiều nhất là ánh sáng mặt trời, các tia cực tím (ultraviolet-UV). Thực tế, người ta thấy tỷ lệ gặp UTDBMV ở vùng da hở tiếp xúc ánh sáng mặt trời như mặt, mu tay, cẳng tay là rất cao chiếm trên 80%[4],[5],[6]. Các thương tổn da có từ trước như dầy sừng ánh sáng, loét mạn tính, sẹo bỏng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư da [2],[7]. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ khác như vi rút gây sùi ở người (HPV), viêm nhiễm mạn tính hoặc các thương tổn mạn tính, viêm da do tia xạ, nhiễm độc một số kim loại nặng như arsenic, cơ địa bệnh nhân trong một số bệnh da do gen như khô da sắc tố… cũng dễ mắc ung thư da nói chung và ung thư da biểu mô vảy nói riêng [2][7]. Loại da cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị UTDBMV với tỷ lệ tăng gấp đôi ở những người có da sáng màu. Bỏng nắng khi còn trẻ trước 15 tuổi cũng làm tăng tỉ lệ ung thư da biểu mô vảy [8].
Điều trị UTDBMV chủ yếu hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Phẫu thuật hạch được chỉ định trong một số trường hợp nghi ngờ. Điều trị tia xạ và hóa chất hỗ trợ cho phẫu thuật và dự phòng tái phát, di căn. Các phương pháp khác ít dùng hơn như quang hóa trị liệu, phá hủy khối u bằng laser CO2, plasma, hoặc điều trị bằng nitơ lạnh vì giá thành đắt hoặc không kiểm soát được giới hạn thương tổn…
Ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu về ung thư da biểu mô vảy nhưng các nghiên cứu này chỉ chú trọng một vấn đề nhất định như dịch tễ học, chẩn đoán, điều trị, các yếu tố tiên lượng, di căn hạch…vv [9][10][11] mà chưa có một nghiên cứu nào nghiên cứu một cách hệ thống về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng cũng như các yếu tố nguy cơ và điều trị bệnh ung thư da biểu mô vảy. Để đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, yếu tố liên quan và kết quả điều trị ung thư da tế bào vảy bằng phẫu thuật” nhằm đạt được các mục tiêu sau:
1) Khảo sát một số yếu tố liên quan ung thư da tế bào vảy.
2) Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của ung thư da tế bào vảy.
3) Đánh giá kết quả của các phương pháp điều trị ung thư da tế bào vảy bằng phẫu thuật,
Nguồn: https://luanvanyhoc.com