NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG TRẦM CẢM Ở BỆNH NHÂN VIÊM CƠ TỰ MIỄN
NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG TRẦM CẢM Ở BỆNH NHÂN VIÊM CƠ TỰ MIỄN
Nguyễn Thị Thoa1, Nguyễn Thị Phương Thủy1,2
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện Bạch Mai
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Mô tả thực trạng trầm cảm ở bệnh nhân viêm cơ tự miễn theo thang điểm Beck. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 36 bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tự miễn, điều trị tại Trung tâm Cơ xương khớp – Bệnh viện Bạch Mai và Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ 10/2021 đến 7/2022. Kết quả: Bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm chiếm tỷ lệ cao (69,4%), trong đó chủ yếu là biểu hiện trầm cảm nhẹ (chiếm tỷ lệ 30,6%), trầm cảm vừa và nặng chiếm tỷ lệ như nhau (19,4%). Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân có rối loạn trầm cảm theo thang điểm Beck là dễ bực mình và phát cáu hơn trước (chiếm tỷ lệ 88%), nhiều lúc cảm thấy chán và buồn (72%), cảm thấy thất bại nhiều hơn người khác (68%). Nhóm bệnh nhân trầm cảm có độ tuổi lớn hơn, thời gian mắc bệnh kéo dài hơn và nồng độ men CK trong huyết thanh cao hơn so với nhóm bệnh nhân không trầm cảm. Tỷ lệ bệnh nhân có bệnh phổi mô kẽ và tổn thương da của nhóm trầm cảm cao hơn so với nhóm không trầm cảm. Kết luận: Bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm chiếm tỷ lệ cao (69,4%), trong đó chủ yếu là biểu hiện trầm cảm nhẹ (chiếm tỷ lệ 30,6%).
Viêm cơ tự miễn với tổn thương cơ bản là tình trạng viêm mạn tính của các bó cơ vân. Trên lâm sàng, bệnh có biểu hiện đặc trưng là yếu cơ vùng gốc chi đối xứng hai bên1. Bệnh ít gặp, với tỷ lệ mắc bệnh nói chung là 1/100000 dân số. Bệnh gặp ở nữ giới nhiều gấp hai lần nam giới và thường gặp ở lứa tuổi từ 40 -50 tuổi2. Bệnh có biểu hiện tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể như: Cơ, da, khớp, hô hấp, tim mạch, tiêu hóa…gây ảnh hưởng đến tính mạng và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Rối loạn trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới, đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu. Rối loạn trầm cảm rất phổ biến ở bệnh nhân có bệnh tự miễn, ước tính tỷ lệ này là 67%3,4.Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Mạnh Quyết, rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân viêm cơ tự miễn chiếm tỷ lệ cao (69,4%)5. Mất ngủ kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, giảm tập trung chú ý, rốiloạn nhận thức, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày…nếu không được điều trị sẽ là nhân tố làm khởi phát rối loạn lo âu và trầm cảm. Trầm cảm xuất hiện ở bệnh nhân viêm cơ tự miễn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng lên cả thể chất, tâm thần của người bệnh và làm tăng nguy cơ tử vong. Trầm cảm làm bệnh nhân viêm cơ tự miễn ít hoạt động thể chất, dễ lạm dụng chất kích thích, có thói quen ăn uống không khoa học và kém tuân thủ liệu trình điều trị. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gánh nặng kinh tế trở nên nặngnề hơn. Với những hậu quả nghiêm trọng mà trầm cảm gây ra ở bệnh nhân viêm cơ tự miễn, việc phát hiện và điều trị sớm trầm cảm có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa phát sinh và làm nặng thêm các biến chứng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phần lớn các biểu hiện trầm cảm không được phát hiện (ước tính là 80%) hoặc phát hiện muộn. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu sau: Mô tả thực trạng trầm cảm ở bệnh nhân viêm cơ tự miễn theo thang điểm Beck.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com