Những nét đặc sắc về Y thuật của Hải thượng lãn ông
- Hải thượng y tôn tâm lĩnh tổng hợp những thành quả quan trọng nhất trong sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông là một bộ sách lớn, gồm 28 tập 66 quyển.
- Như đánh giá của nhiều học giả trong và ngoài nước, bộ sách đã thể hiện một hệ thống quan niệm y học chặt chẽ nhất quán, nhiều tinh hoa tốt đẹp đã được khái quát hóa cao, đánh dấu một bước tiến của sự nghiệp Y học cổ truyền Việt Nam. Bộ sách này cùng với thực tiễn lâm sàng phong phú của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một cống hiến quan trọng cho sự phát triển của nền khoa học và y học nước nhà lúc đó, đây là một di sản hết sức quý báu của dân tộc cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy.Trương Tử Dân, một học giả người Trung Quốc, trong tạp chí Đỗ thư quán, Bắc Kinh 1963, sô 1 đã viết:“Hải thượng y tông tâm lĩnh vừa phong phú, vừa phát huy được học thuyết của họ Phùng, vì thế có thể gọi ông là người đã tập hợp được kết quả tốt của mọi nhà làm thuốc, phát huy được nhiều điều mà người trước ông chưa phát hiện, có thể gọi ông là bậc thánh thuốc của Việt Nam…, có thể gọi Lê Hữu Trác là Lý Thời Trân (thời Minh, tác giả Bản thảo cương mục) cảu Việt Nam” [4], [5], [6].
- Còn P.Huard trong Lan Ong et la Medicine Sino Vietnamese (1953), đã viết: “Lãn Ông mặc dù đã hấp thu sâu nền văn hóa Trung Hoa, nhưng có tinh thần phê phán, đã không chấp nhận tất cả các lý thuyết và cách điều trị Trung y, đã biến đổi nó đưa vào nguồn dược liệu, thực vật, khoáng vật Việt Nam mà ông cho rằng đặc biệt phù hợp với bệnh tật người Việt Nam”.
- Có thể thấy về phương pháp luận trong toàn bộ cuốn sách, Hải Thượng Lãn Ông đã vận dụng một cách sáng tạo những kiến thức khoa học chung vào đặc điểm tự nhiên và con người Việt Nam. Những kiến thức triết học, sinh vật học, thiên văn học được ông trình bầy chặt chẽ bằng quan điểm của mình, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những thành quả về tư tưởng và y học của Trung Hoa thời cổ đại. Chính bằng phương pháp này, không những Hải Thượng Lãn Ông đã kế thừa được những tinh hoa của các y học nổi tiếng nước ta từ Tuê Tĩnh, Chu Văn An trở đi, cũng như nâng cao được nhận thức với nền y học Trung Hoa một cách hệ thống hơn, mà ông còn đề ra được đường hướng chẩn trị bệnh theo lối “Vương đạo thiên về thủy hỏa”. Lý luận thủy hỏa của các y gia Trung Quốc như Triệu Đường Quỳ, Phùng Triệu Trương đã được Hải Thượng vận dụng, phát triển, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.Trên cơ sở học thuyết âm dương và thực tiễn lâm sàng, Hải Thượng Lãn Ông đã chứng minh vai trò quan trọng của thủy hỏa trong quá trình phát sinh, phát triển cỏa cơ thể, trong mối liên hệ với ngũ hành và các tạng khác. Sự mất cân đối và suy kiệt của chân thủy, chân hỏa theo Lãn Ông chính là nguyên nhân làm cho cơ thể suy nhược, chính khí bị sa sút, Ông nói:“Hư là nguyên do sinh trăm bệnh, chữa hư là chủ chốt để chữa bệnh”.
- Từ cách nhìn nhận như vậy, trong khi chẩn đoán, Hải Thượng luôn coi trọng việc phân biệt hư thực và điều trị theo hướng chữa bệnh từ gốc, (bổ hư, bổ thủy, bổ hỏa) bằng các bài thuốc bổ thận (Lục vị và Bát vị). Khi phải sử dụng phép công tà, Hải Thượng cũng luôn rất cẩn thận, hạn chế sử dụng những vị thuốc công phạt quá mạnh, dễ ảnh hưởng tới chính khí của cơ thể. Quan điểm trên của Hải Thượng đã được vận dụng một cách sáng tạo, nhất quán trong các phương pháp chữa trị các bệnh ngoại cảm, bệnh của trẻ em, bệnh nhiệt cấp tính và các bệnh nặng nguy cấp.Với các bệnh ngoại cảm, Lãn Ông cho rằng ở Việt Nam không phổ biến chứng thương hàn như Trương Trọng Cảnh (Đông Hán, thế kỷ 2 sau công nguyên), đã mô tả trong thương hàn luận, mà chủ yếu hay gặp chứng cảm hàn dơ cơ thể mệt nhọc, trung khí hư suy, lại bị nhiễm lạnh.Để chữa trị cảm hàn phù hợp với điều kiện khí hậu và con người Việt Nam, Lãn Ông đã lập ra 3 bài thuốc giải biểu, 6 bài hòa lý vừa điều bỏ thủy hỏa, khí huyết, vừa giải tán ngoại tà. Với các bệnh trẻ em nhiệt cấp tính cũng như các bệnh nặng khó chữa, nguy cấp… Lãn Ông cũng luôn vận dụng điều hòa thủy hỏa và tiếp bổ âm dương, cứu âm tiếp dương, cứu dương tiếp âm làm căn bản, phối hợp một cách linh hoạt, hợp lý với các phép thanh nhiệt, tả hỏa, thông lợi đại tiện, hòa nhiệt để phục hồi cơ năng tạng phủ giúp cơ thể khỏe lên, chân khí được giữ vững mà bệnh tật được giải quyết [3].
- Có thể nói đây là những đặc điểm đặc sắc nhất về y thuật của Hải Thượng Lãn Ông và cũng là những đóng góp to lớn nhất của ông cho Y học cổ truyền Việt Nam, trên cơ sở vận dụng triết học duy vật, phép biện chứng đương đại, những kinh nghiệm của các y gia nổi tiếng ở nước ngoài vào thực tiễn Việt Nam.
- Bằng cả cuộc đời lao động khoa học cần cù, nghiên cứu sưu tầm không mệt mỏi, không lệ thuộc vào sách vở, trung thực, không dấu dốt của mình Hải Thượng Lãn Ông đã cống hiến cho đất nước, cho nền y học nước nhà một tấm gương vì đại về y đức và y thuật đặc sắc, có giá trị thực tiễn, khoa học cao [1], [2]. Để góp phần đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa và phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam, chúng ta cần tích cực thùa kế, phát huy những di sản quý báu mà Hải Thượng Lãn Ông đã để lại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hải Thượng Lãn Ông, Huyền tẫn phát vi – nói rõ về âm dương thủy hỏa. NXB Y học và Thể dục thể thao, Hà Nội, 1965.
- Hải Thượng Lãn Ông (1995), Hải thượng y tông tâm lĩnh. NXB Y học.
- Viện Nghiên cứu Đông y – Lê Trần Đức (1996), Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông. NXB Y học và Thể dục thể thao.
- Trần Văn Thụy (2001). Đại đanh y Lãn Ông và cơ sở tư tưởng của nghề làm thuốc, chữa bệnh. NXB Y học.
- Hồ Đắc Di (1970). Những bài học lớn của Hải Thượng Lãn Ông đới với cán bộ Tây y. Tạp chí Đông y, số 110-111.
- Nguyễn Văn Thang (1996). Hải Thượng Lãn Ông, Cuộc đời và tác phẩm – Viện y học cổ truyền Việt Nam