PHÂN TÍCH ĐẶC ĐIỂM SỬ DỤNG VANCOMYCIN TRÊN BỆNH NHÂN NẶNG ĐIỀU TRỊ HỒI SỨC TÍCH CỰC TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
PHÂN TÍCH ĐẶC ĐIỂM SỬ DỤNG VANCOMYCIN TRÊN BỆNH NHÂN NẶNG ĐIỀU TRỊ HỒI SỨC TÍCH CỰC TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Lê Thị Minh Hằng1, Nguyễn Hoàng Anh(B)2, Nguyễn Trần Nam Tiến2, Nguyễn Thanh Hiền1, Vũ Đình Hòa2, Nguyễn Hoàng Anh2, Lưu Quang Thùy1
1 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức
2 Trung tâm DI và ADR Quốc gia, Trường Đại học Dược Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Phân tích đặc điểm sử dụng vancomycin trên bệnh nhân người lớn tại Khoa Hồi sức tích cực 2, Trung tâm Gây mê & Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu mô tả dựa trên dữ liệu thu thập từ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân người lớn điều trị nội trú tại khoa Hồi sức tích cực 2 trong giai đoạn tháng 01-09/2021. Kết quả nghiên cứu: Vancomycin chủ yếu được chỉ định điều trị theo kinh nghiệm cho các nhiễm khuẩn thường gặp ở bệnh nhân Ngoại khoa, chỉ 18,4% bệnh phẩm phân lập được các vi khuẩn Gram (+). Có 31% bệnh nhân trong nghiên cứu được sử dụng liều nạp với mức liều nạp trung bình tương đối cao (40mg/kg). Liều duy trì ban đầu chủ yếu là 1g mỗi 12h, 1g mỗi 8h và chỉ có 2 trường hợp 1g mỗi 6h. 11,96% bệnh nhân ghi nhận có xuất hiện biến cố trên thận. Kết luận: Cần xây dựng quy trình hướng dẫn sử dụng vancomycin cũng như TDM vancomycin theo các khuyến cáo cập nhật trên thế giới để tối ưu chế độ liều, góp phần đảm bảo hiệu quả và hạn chế độc tính của thuốc.
Vancomycin là kháng sinh nhóm glycopeptid được sử dụng trên lâm sàng từ năm 1958 để điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn Gram (+), đặc biệt là S. aureus kháng methicillin (MRSA) hoặc những bệnh nhân có chống chỉ định hay không dung nạp với kháng sinh beta-lactam [10]. Tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU), S. aureus là một trong năm căn nguyên vi sinh gây nhiễm trùng phổ biến nhất. Khảo sát đa trung tâm từ 75 quốc gia năm 2011 cho thấy tỷ lệ S. aureus kháng methicillin (MRSA) tại đơn vị ICU chiếm đến 49,4%. Hiện nay, do sự phát triển của vi khuẩn và lạm dụng thuốc kháng sinh, tỷ lệ nhiễm MRSA gia tăng trên toàn thế giới dẫn đến việc điều trị MRSA trở nên khó khăn hơn và tối ưu hóa chế độ liều vancomycin để đảm bảo hiệu quả và đồng thời giảm thiểu độc tính của thuốc trở nên cần thiết [2]. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức là bệnh viện chuyên ngành Ngoại khoa tuyến cuối của cả nước. Vancomycin đã được sử dụng khá phổ biến tại Bệnh viện, đặc biệt là tại các đơn vị Hồi sức tích cực. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích đặc điểm sử dụng vancomycin trên bệnh nhân người lớn tại khoa Hồi sức tích cực 2, từ đó đề xuất các biện pháp can thiệp tối ưu việc sử dụng kháng sinh này trong thực hành lâm sàng Ngoại Khoa
Nguồn: https://luanvanyhoc.com