Phối hợp chẹn bóng động mạch chậu trong và nút động mạch tử cung dự phòng xuất huyết ở sản phụ
Báo cáo ca lâm sàng : Phối hợp chẹn bóng động mạch chậu trong và nút động mạch tử cung dự phòng xuất huyết ở sản phụ mắc rau cài răng lược kết hợp rau tiền đạo
Rau cài răng lược là hiện tượng một phần hoặc toàn bộ bánh rau xâm lấn và không thể tách rời khỏi cơ tử cung. Rau tiền đạo là hiện tượng rau thai che mất một phần hoặc hoàn toàn lỗ cổ tử cung của người mẹ. Cả hai hiện tượng đều làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, đe dọa tính mạng của sản phụ và thai nhi. Phối hợp hai hiện tượng làm nặng hơn tình trạng mất máu trong mổ cũng như sau sinh của sản phụ, là thách thức lớn và đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa trong quản lý bệnh. Can thiệp nội mạch dự phòng băng huyết là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, có vai trò quan trọng và ngày càng được chú ý áp dụng hơn trong quản lý các trường hợp rau cài răng lược. Báo cáo này mô tả một trường hợp rau cài răng lược thể xuyên cơ tử cung kết hợp rau tiền đạo, được can thiệp nội mạch dự phòng chảy máu bằng phương pháp chẹn bóng động mạch chậu trong hai bên phối hợp nút động mạch tử cung kết hợp mổ lấy thai ở tuần 36. Kết quả bệnh nhân mổ lấy thai thành công và bảo tồn được tử cung sau mổ.
Rau cài răng lược (RCRL) là tình trạng rau bám dính hoặc xâm lấn vào cơ tử cung, là nguyên nhân chính của băng huyết và cắt tử cung. Rau tiền đạo là hiện tượng rau thai che mất một phần hoặc hoàn toàn lỗ cổ tử cung của người mẹ. Trong nhưng năm gần đây do tỷ lệ mổ lấy thai tăng nên tỷ lệ RCRL cùng tăng lên, tỷ lệ băng huyết sau sinh từ đó cũng tăng lên, đặc biệt với các trường hợp RCRL kết hợp với rau tiền đạo [1].
Phương pháp điều trị truyền thống của RCRL là phẫu thuật lấy thai và cắt tử cung. Tuy nhiên phương pháp này bên cạnh việc lấy đi khả năng mang thai trong tương lai còn gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của sản phụ, đặc biệt là đối với những người mong muốn có thêm con.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com