Phương pháp tạo keo Fibrin tự thân cố định mảnh ghép trong phẫu thuật cắt mộng ghép kết mạc
Phương pháp tạo keo Fibrin tự thân cố định mảnh ghép trong phẫu thuật cắt mộng ghép kết mạc
Vũ Thị Kim Liên1, Hoàng Thị Minh Châu2, Nguyễn Huy Bình3, Đỗ Quang Thọ4, Nguyễn Mạnh Quỳnh4
1 Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên
2 Hội Nhãn khoa Hà Nội
3 Trường Đại học Y Hà Nội
4 Bệnh viện Mắt Thái Nguyên
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả phương pháp tạo keo fibrin tự thân cố định mảnh ghép kết mạc trong phẫu thuật mộng nguyên phát. Nghiên cứu can thiệp không đối chứng ở 45 mắt mộng nguyên phát độ II. Lấy máu của bệnh nhân trước phẫu thuật li tâm tách chiết fibrinogen và thrombin. Kết hợp fibrinogen và thrombin tỉ lệ 1:1 tạo keo fibrin dính mảnh ghép. Đánh giá khả năng cố định mảnh ghép, thời gian phẫu thuật, mức độ đau, tái phát sau phẫu thuật. Keo fibrin tự thân cố định được mảnh ghép kết mạc ở 43/45 mắt (95,6%): cố định tốt 3 cạnh mảnh ghép ở 32/45 mắt (71,11%), bong mảnh ghép ở 2 mắt (4,4%). Sau phẫu thuật 1 ngày bệnh nhân đau ở mức độ trung bình (86%). Thời gian phẫu thuật trung bình 28,5 ± 2,7 phút. Kết quả phẫu thuật đánh giá sau 03 tháng đạt tốt ở 86%. Sau 10 tháng theo dõi chưa gặp tái phát. Keo dán fibrin tự thân là một lựa chọn có triển vọng trong cố định mảnh ghép kết mạc, dễ thực hiện, an toàn và có hiệu quả.
Mộng mắt là tổ chức u sợi kết mạc phát triển tăng sinh trên bề mặt nhãn cầu và xâm nhập vào giác mạc. Đây là một bệnh lí của bề mặt nhãn cầu phổ biến với tỷ lệ mắc chung là 12% dân số.¹ Bức xạ tia UVB được coi là nguyên nhân chính gây biến đổi tế bào gốc vùng rìa dẫn đến hình thành mộng.² Phẫu thuật là giải pháp duy nhất làm giảm các triệu chứng và cải thiện thẩm mĩ cho người bệnh.Theo kết quả nghiên cứu tổng quan hệ thống, cho đến hiện tại phương pháp cắt mộng ghép kết mạc tự thân là phương pháp điều trị tối ưu nhất cho tỷ lệ tái phát thấp (0 đến 16,7%), an toàn và ít biến chứng.³ Phương pháp này được Kenyon giới thiệu vào năm 1985.⁴ Sau khi cắt bỏ mộng, lấy mảnh ghép kết mạc tự thân ghép vào diện mộng đã cắt và khâu cố định bằng chỉ nylon 10 – 0 hay vicryl 8 – 0. Mảnh ghép kết mạc lành đóng vai trò như hàng rào chặn ở vùng rìa bảo vệ ngăn không cho mộng tái phát. Tuy nhiên phương pháp phẫu thuật này vẫn có hạn chế là kĩ thuật còn phức tạp do phải khâu, bệnh nhân kích thích sau phẫu thuật và vẫn có tái phát làm cho đây vẫn là một trong những phẫu thuật “khó chịu” của bán phần trước nhãn cầu. Khâu cố định mảnh ghép yêu cầu phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com