STRESS, LO ÂU, TRẦM CẢM VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NHÂN VIÊN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ CAM RANH, TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2020

STRESS, LO ÂU, TRẦM CẢM VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NHÂN VIÊN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ CAM RANH, TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2020

STRESS, LO ÂU, TRẦM CẢM VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NHÂN VIÊN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ CAM RANH, TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2020
Học viên: Nguyễn Hữu Văn
Giáo viên hướng dẫn: TS. Lê Hữu Thọ
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là nơi thường xuyên đón khách đi và đến từ nhiều chuyến bay trong và ngoài nước, vì vậy, nơi đây luôn đòi hỏi khắt khe về tính chuyên nghiệp của nhân viên để đảm bảo sự hài lòng về dịch vụ. Do vậy, nhân viên làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có nhiều nguy cơ bị căng thẳng và lâu dài dễ bị ảnh hưởng các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu “Stress, lo âu, trầm cảm và một số yếu tố liên quan ở nhân viên Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh năm 2020” với mục tiêu mô tả tình trạng stress, lo âu, trầm cảm của các nhân viên làm việc tại đây và xác định các yếu tố liên quan. Nghiên cứu áp dụng thiết kế cắt ngang, kết hợp định lượng và định tính được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2020. Tổng số 422 nhân viên đang làm việc tại đây đã tham gia trả lời bộ câu hỏi định lượng. Thông tin định tính được thu thập từ 05 cuộc PVS và 04 cuộc TLN. Trong đó, tình trạng stress, lo âu, trầm cảm ở nhân viên được đánh giá bằng thang đo DASS-21. Số liệu định lượng được xử lý và phân tích bằng phần mềm Epidata 3.1 và SPSS 20.0. Các dữ liệu định tính được phân tích theo chủ đề.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng stress, lo âu, trầm cảm của nhân viên có tỷ lệ lần lượt là 55,9%, 47,4%, 21,3%. Biểu hiện của lo  âu có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với yếu tố nhân khẩu học như là thâm niên công tác (OR=1,5), thu nhập cá nhân (OR=0,6), trình độ học vấn (OR = 4,3). Bên cạnh đó, lo âu cũng có mốiliên quan có ý nghĩa với số con hiện có (OR=1,6). Ngoài ra, yếu tố công việc cũng là một trong những mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng lo âu: đặc thù công việc (OR=0,4), nhiệt độ nơi làm việc (OR=1,7), sự phù hợp giữa mức thu nhập và lao động (OR=0,5). 
Biểu hiện của trầm cảm có liên quan tới yếu tố nhân khẩu học như là: thâm niên công tác (OR = 1,8), tần suất hút thuốc lá (OR = 0,5), tần suất sử dụng rượu bia (OR=0,3). Đối với yếu tố gia đình là vấn đề chăm sóc người thân già yếu (OR=2).
Ngoài ra, đối với yếu tố công việc có một số yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê như sau: đặc thù công việc (OR=0,4), khối lượng công việc so với đáp ứng của bản thân (OR=0,5), thời gian làm việc (OR=0,3), sự phù hợp giữa mức thu nhập và mức lao động (OR = 0,5), được hưởng chế độ thưởng tháng/quý (OR=2,7), tham gia quản lý (OR=0,4). Tuy nhiên, chưa tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa các yếu tố trên tới tình trạng stress của nhân viên.
Từ kết quả chúng tôi thấy rằng, đối với những nhân viên có con nhỏ hoặc phải chăm sóc người thân già yếu nên có đề xuất lên lãnh đạo sân bay được sắp xếp làm việc theo giờ hành chính, có đề xuất với lãnh đạo sân bay hỗ trợ đầy đủ về trang phục phòng hộ, hỗ trợ cho những người làm việc ở môi trường nhiệt độ khắc nghiệt. Nhân viên sân bay không nên lạm dụng rượu bia, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tới công việc chung. Về phía quản lý, lãnh đạo sân bay xem xét phân bố lại thời gian làm việc (hạn chế thời gian làm việc theo chế độ ca kíp nếu có thể) để tránh căng thẳng cho nhân viên. Đặc biệt, ưu tiên những nhân viên có con nhỏ, chăm sóc người thân già yếu được làm việc trong giờ hành chính. Hàng quý, nếu có thể nên xem xét có chế độ thưởng mang tính chất thúc đẩy tinh thần cho nhân viên. Ngoài ra, có kế hoạch tổ chức các đợt giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngoài giờ làm việc tạo tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe cho nhân viên sau những thời gian làm việc mệt mỏi.

Leave a Comment