Tác dụng chống đông của viên hoàn Trân châu ngưu hoàng hoàn trên thực nghiệm
Tác dụng chống đông của viên hoàn Trân châu ngưu hoàng hoàn trên thực nghiệm
Trần Thái Hà, Đào Xuân Tỉnh, Phạm Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Thanh Loan
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng chống đông của viên hoàn Trân châu ngưu hoàng hoàn trên mô hình gây đông máu bằng lipopolysaccharid ở chuột cống trắng. Chuột được uống thuốc thử liều 0,12 và 0,36 viên/kg/ngày trong 7 ngày liên tục. Hai giờ sau khi uống thuốc thử lần cuối cùng, chuột được gây mô hình đông máu bằng cách tiêm tĩnh mạch đuôi chuột lipopolysaccharid liều 3 mg/kg. Chuột cống ở các lô nghiên cứu được lấy máu vào thời điểm 4 giờ sau khi gây mô hình để đánh giá các chỉ số nghiên cứu bao gồm số lượng tiểu cầu, nồng độ fibrinogen, thời gian prothrombin (PT), thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa (aPTT). Kết quả của nghiên cứu cho thấy tác dụng chống đông phụ thuộc liều của Trân châu ngưu hoàng hoàn thể hiện thông qua việc tăng số lượng tiểu cầu và nồng độ fibrinogen, đồng thời kéo dài PT và aPTT. Như vậy, Trân châu ngưu hoàng hoàn có tác dụng chống đông trên mô hình gây đông máu bằng lipopolysaccharid ở chuột cống trắng.
Đông máu là quá trình máu chuyển từ thể lỏng thành thể đặc do sự chuyển fibrinogen thành fibrin không hòa tan. Các sợi fibrin trùng hợp tạo thành mạng lưới giam các thành phần của máu, làm máu đông lại. Tình trạng tăng đông là dẫn đến hình thành cục máu đông không thích hợp trong vòng tuần hoàn.1 Các nhóm thuốc điều trị bệnh lý huyết khối tắc mạch bao gồm thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông và thuốc tiêu fibrin.2 Hiện nay, chi phí điều trị các bệnh lý liên quan đến huyết khối tắc mạch trong đó có tai biến mạch máu não thể nhồi máu não đã và đang là gánh nặng đối với người bệnh, gia đình và xã hội. Vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển thuốc mới để dự phòng và điều trị huyết khối có hiệu quả và an toàn luôn luôn cần thiết. Các thuốc của Y học hiện đại đạt hiệu quả tốt trong điều trị, tuy nhiên, chi phí điều trị cao và nhiều tác dụng không mong muốn. Vì thế, xu hướng dùng các chế phẩm từ dược liệu, vừa mang lại hiệu quả, đồng thời hạn chế các tác dụng không mong muốn và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.Trân châu ngưu hoàng hoàn là tên của bài thuốc cổ, có trong dược điển của Mông Cổ từ thế kỷ thứ 13. Bài thuốc gồm 12 vị thuốc khác nhau được sử dụng trong y học cổ truyền để tăng cường tuần hoàn máu não, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não do nghẽn mạch. Nghiên cứu tác dụng chống đông của Trân châu ngưu hoàng hoàn sẽ góp phần vào việc phát triển bài thuốc này thành thuốc dùng trong dự phòng tai biến mạch máu não thể nhồi máu não. Tuy nhiên đến nay, chưa có nghiên cứu nào về tác dụng chống đông máu của bài thuốc Trân châu ngưu hoàng hoàn
Nguồn: https://luanvanyhoc.com