Tác dụng của điện châm kết hợp tập vận động và đeo đai trên bệnh nhân bán trật khớp vai sau nhồi máu não
Tác dụng của điện châm kết hợp tập vận động và đeo đai trên bệnh nhân bán trật khớp vai sau nhồi máu não
Nguyễn Thị Thanh Tú, Nguyễn Thanh Thủy
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá tác dụng của điện châm kết hợp tập vận động và đeo đai trên bệnh nhân bán trật khớp vai sau nhồi máu não. Nghiên cứu can thiệp, so sánh trước sau và có đối chứng. 60 bệnh nhân được chẩn đoán bán trật khớp vai sau nhồi máu não chia thành hai nhóm đảm bảo tương đồng về tuổi, giới, mức độ bán trật khớp vai trên X-quang. Nhóm nghiên cứu được điện châm kết hợp tập vận động và đeo đai; nhóm chứng được tập vận động và đeo đai, 5 ngày/tuần trong 4 tuần. Nhóm nghiên cứu cải thiện khoảng cách, mức độ bán trật khớp vai, tầm vận động, cơ lực khớp vai và chức năng vận động chi trên: giảm khoảng cách bán trật khớp vai từ 16,52 ± 4,69mm xuống 10,31 ± 3,49mm và điểm FMA (Fugl-Myer Assessment) vai/cánh tay/cẳng tay và cổ tay ở nhóm nghiên cứu tốt hơn so với nhóm chứng (p < 0,05).
Bán trật khớp vai (BTKV) là một biến chứng phổ biến của bệnh liệt nửa người sau tai biến mạch máu não. Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi từ 17% đến 81%.1,2 Khoảng một phần ba bệnh nhân nhồi máu não có xu hướng bị BTKV và luôn có nguy cơ đau vai do bệnh lý này.3,4 BTKV nếu không được điều trị kịp thời có thể gây đau vai tay, tổn thương thần kinh, làm giảm chức năng vận động chi trên và ảnh hưởng đến sự phục hồi chức năng vận động của người bệnh.5,6 Y học cổ truyền không có bệnh danh cụ thể của BTKV do nhồi máu não. Tuy nhiên, nhóm biến chứng sau nhồi máu não trong đó có bán trật khớp vai với các triệu chứng đặc trưng là đau vai bên bệnh và hạn chế vận động khớp vai cùng với các biểu hiện lâm sàng khác như vận động tay chân yếu, liệt, giảm vận động nửa người được gọi là “Bán thân bất toại”. Nguyên nhân của “Bán thân bất toại” được đa số các tài liệu ghi chép lại là do trúng phong. Tùy theo biểu hiện ban đầu của người bệnh có hôn mê hay không hôn mê mà y học cổ truyền phân thành “Trúng phong tạng phủ” và “Trúng phong kinh lạc”.7-9 Trong đó, BTKV do nhồi máu não thuộc “Trúng phong kinh lạc”. Hiện nay đã có một số nghiên cứu về các phương pháp để điều trị BTKV như: đeo đai nâng vai, đặt tư thế, kích thích điện thần kinh cơ, kích thích điện chức năng, nhưng kết quả của các phương pháp này vẫn còn chưa được như mong đợi. Vì vậy, các phương pháp phục hồi khác nhau để giảm bớt BTKV đã được phát triển và điều tra từ nhiều thập kỷ.10 Một số nghiên cứu ở nước ngoài về việc áp dụng phương pháp điện châm điều trị BTKV sau tai biến mạch máu não cho thấy có hiệu quả khả quan.11Điện châm có tác dụng làm dịu cơn đau, kích thích hoạt động các cơ, tăng cường dinh dưỡng các tổ chức.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com