THỜI GIAN SỐNG THÊM KHÔNG BỆNH VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA HÓA TRỊ BỔ TRỢ DOCETAXEL – CYCLOPHOSPHAMID TRÊN UNG THƯ VÚ CAO TUỔI
THỜI GIAN SỐNG THÊM KHÔNG BỆNH VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA HÓA TRỊ BỔ TRỢ DOCETAXEL-CYCLOPHOSPHAMID TRÊN UNG THƯ VÚ CAO TUỔI
Phùng Thị Huyền1
1 Bệnh viện K Tân Triều
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Đánh giá thời gian sống thêm không bệnh (DFS) và các yếu tố liên quan của hóa trị bổ trợ phác đồ Docetaxel kết hợp Cyclophosphamid trên bệnh nhân ung thư vú cao tuổi điều trị tại bệnh viện K. Đối tượng nghiên cứu: 70 bệnh nhân nữ cao tuổi được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn I-IIIA, được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú hoặc phẫu thuật bảo tồn kèm vét hạch nách hệ thống điều trị bổ trợ hóa chất phác đồ Docetaxel kết hợp Cyclophosphamid (TC) tại bệnh viện K từ tháng 01/2013- 12/2018. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả hồi cứu. Kết quả: Tuổi trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu là 64,74 ± 3,94 tuổi, trong đó 67,1% bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ sống thêm không bệnh tại thời điểm 3 năm, 5 năm lần lượt là 87,7% và 81%. Giai đoạn bệnh và phân nhóm sinh học phân tử có liên quan đến DFS (p<0,05). DFS không có sự khác biệt giữa 2 nhóm có và không có bệnh lý tim mạch (p>0,05). Kết luận: Điều trị bổ trợ phác đồ Docetaxel kết hợp Cyclophosphamid (TC) trên bệnh nhân UTV cao tuổi có tỷ lệ sống thêm không bệnh cao và nên được cân nhắc trong thực hành lâm sàng, đặc biệt trong nhóm bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.
Ung thư vú (UTV) là căn bệnh ung thư phổ biến nhất và nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới[1]. Theo ghi nhận tại Việt Nam năm 2010 có 12.533 trường hợp mới mắc UTV với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 29,9/100.000 dân và 5339 người tử vong do căn bệnh này[2]. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong điều trị, mức độ giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân (BN) cao tuổi khá hạn chế (1,5%/ năm) so với nhóm bệnh nhân trẻ 20-39 tuổi (2,8%/năm)[3].Tuổi thọ trung bình của dân số nước ta tăng dần qua các giai đoạn và ước tính tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng gấp 3 vào năm 2050[4]. Tỷ lệ người cao tuổi tăng dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú ở người cao tuổi cũng tăng dần. Tuy nhiên các nghiên cứu về điều trị bổ trợ ung thư vú hiện nay vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm bệnh nhân trẻ, còn ít các nghiên cứu thực hiện trên nhóm bệnh nhân cao tuổi. Trong khi đó, nhóm cao tuổi có tỷ lệ mắc ung thư vú tăng dần theo tuổi đồng thời tỷ lệ có các bệnh đồng thời cao hơn so với các bệnh nhân trẻ, đặc biệt là bệnh lý tim mạch. Vì vậy lựa chọn hóa chất cho các bệnh nhân cao tuổi cần phải được cân nhắckĩ, đặc biệt là Anthracyclin do gây độc tính tích lũy trên tim mạch[5].Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về hiệu quả điều trị bổ trợcủa phác đồ Docetaxel-Cyclophosphamid trên bệnh nhân ung thư vú cao tuổi. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu đánh giá thời gian sống thêm không bệnh và các yếu tố liên quan của phác đồ hóa trị bổ trợ Docetaxel-Cyclophosphamid cho ung thưvú ở bệnh nhân nữ cao tuổi tại bệnh viện K
Nguồn: https://luanvanyhoc.com