THỰC TRẠNG CHĂM SÓC VẾT MỔ NHIỄM KHUẨN CỦA ĐIỀU DƯỠNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA XANH PÔN NĂM 2021
THỰC TRẠNG CHĂM SÓC VẾT MỔ NHIỄM KHUẨN CỦA ĐIỀU DƯỠNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA XANH PÔN NĂM 2021
Trịnh Văn Thọ1, Nguyễn Minh An2, Đinh Thị Thu Huyền3,
Nguyễn Thị Lý3, Nguyễn Ngọc Thành3
1Trường Đại học Thành Đông; 2Trường Cao Đẳng y tế Hà Nội;
3Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định
Mục tiêu: Mô tả thực trạng chăm sóc vết mổ nhiễm khuẩn của điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn năm 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang, nghiên cứu hoạt động chăm sóc vết mổ nhiễm khuẩn của 36 điều dưỡng viên với 10 người bệnh có nhiễm khuẩn vết mổ tại Khoa phẫu thuật Tiêu hóa và Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Xanh Pôn từ tháng 2 đến tháng 7 năm 2021 bằng phương pháp quan sát trực tiếp hoạt động chăm sóc vết mổ nhiễm khuẩn của điều dưỡng bằng phiếu điều tra đã được thiết kế sẵn. Nghiên cứu sử dụng bộ công cụ quy trình thay băng vết mổ nhiễm khuẩn, quy trình vệ sinh tay thường quy của Bộ Y Tế. Kết quả: Tỷ lệ thực hành đạt về chăm sóc vết mổ nhiễm khuẩn còn chưa cao với 43,5%. Tỷ lệ thực hành đạt quy trình vệ sinh tay thường quy chiếm 57,4%. Kết luận: Thực hành đạt về chăm sóc vết mổ nhiễm khuẩn còn chưa cao.
Nhiễm khuẩn vết mổ là một trong những nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp. Theo Bộ Y tế, nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) là những nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trong thời gian từ khi mổ cho đến 30 ngày sau mổ với phẫu thuật không có cấy ghép và cho tới 1 năm sau mổ với phẫu thuật có cấy ghép bộ phận giả [1]. Theo báo cáo của
Tổ chức Y tế Thế giới (2010), tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 16 triệu ca mổ, trong đó tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 2,0% – 5,0%, chiếm 20% các bệnh nhiễm khuẩn khác [2]. Tại Việt Nam, nhiễm khuẩn vết mổ xảy ra ở 5-10% trong số khoảng 2 triệu người bệnh được phẫu thuật hàng năm [3]. Nhiễm khuẩn vết mổ ảnh hưởng xấu đến tâm lý người bệnh và người nhà người bệnh. Ngoài việc làm tăng chi phí điều trị, nhiễm khuẩn vết mổ còn kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh, tăng khả năng nhiễm trùng chéo, kháng thuốc, tăng tỷ lệ tái nhập viện và làm tăng đau đớn cho người bệnh [3]. Tại Châu Âu ước tính chi phí điều trị nhiễm khuẩn vết mổ dao động trong khoảng 1,47 – 19,1 tỷ euro, thời gian nằm viện trung bình của người bệnh sẽ tăng khoảng 6,5 ngày và chi phí tăng gấp 3 lần so với người bệnh không bị nhiễm khuẩn vết mổ [4]. Ở
Việt Nam, theo Phạm Văn Tân (2016), số ngày nằm viện sau phẫu thuật tăng gấp khoảng 2 lần ở nhóm có NKVM so với nhóm không NKVM, chi phí điều trị bằng
kháng sinh tăng gấp 14,8 lần ở nhóm người bệnh có NKVM [5]. Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm khuẩn vết mổ, trong đó những
nguyên nhân liên quan đến quá trình chăm sóc, điều trị, sử dụng kháng sinh…có thể được hạn chế tối đa khi hoạt động của cán bộ y tế theo đúng các qui trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng cao trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc. Đối với chăm sóc vết mổ nói chung và vết mổ nhiễm khuẩn nói riêng thì vai trò của người điều dưỡng (ĐD) rất quan trọng, từ nhận định các yếu tố nguy cơ, nhận định các dấu hiệu lâm sàng, đưa ra chẩn đoán chăm sóc và can thiệp điều dưỡng phù hợp, phối hợp tốt với bác sỹ sẽ hạn chế được tỷ lệ NKVM cũng như ngăn chặn NKVM tiến triển nặng hơn. Nhận thấy vai trò quan trọng của người điều dưỡng trong chăm sóc vết mổ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đề tài với mục tiêu mô tả thực trạng chăm sóc vết mổ nhiễm khuẩn của điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn năm 2021
THỰC TRẠNG CHĂM SÓC VẾT MỔ NHIỄM KHUẨN CỦA ĐIỀU DƯỠNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA XANH PÔN NĂM 2021