THỰC TRẠNG DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI TẠI XÃ CHÍ MINH, TỨ KỲ, HẢI DƯƠNG
THỰC TRẠNG DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI TẠI XÃ CHÍ MINH, TỨ KỲ, HẢI DƯƠNG
Phạm Văn Hùng1, Trần Hồng Trâm1, Đoàn Hữu Thiển1, Nguyễn Duy Thái1
1 Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và Sinh phẩm y tế, Bộ Y tế
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Mô tả thực trạng suy dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của trẻ dưới 5 tuổi tại xã Chí Minh, Tứ Kỳ, Hải Dương năm 2020. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 312 bà mẹ và trẻ dưới 5 tuổi tại xã Chí Minh, Tứ Kỳ, Hải Dương. Kết quả: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chung là 27,9%, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là cao nhất (17,6%), tiếp đến là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 11,5%, và cuối cùng là suy dinh dưỡng thể gầy còm 8,3%. Có mối liên quan giữa tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ với các yếu tố: cân nặng sơ sinh dưới 2500gr (OR=6,13; 95%CI: 1,27-21,34; p=0,014); trình độ học vấn của bà mẹ (OR=4,86; 95%CI: 1,05-19,14; p=0,039); trẻ có thời điểm cai sữa dưới 18 tháng tuổi (OR=3,62; 95%CI: 1,21-9,46; p=0,022); trẻ không được ăn bổ sung khi tròn 6 tháng tuổi (OR=3,28; 95%CI: 1,09-9,27; p=0,009); trẻ từng bị tiêu chảy (OR=2,65; 95%CI: 1,07-8,22; p=0,042). Kết luận: Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi tại xã Chí minh, Tứ Kỳ, Hải Dương năm 2020 là tương đối cao. Vì vậy, cần tăng cường công tác đào tạo cán bộ chuyên trách về dinh dưỡng và tăng cường công tác truyền thông đến các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Một trong những vấn đề hàng đầu về y tế công cộng ở các nước đang phát triển là suy dinh dưỡng. Theo thống kê của Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc năm 2019 cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân trên thế giới (tương đương ≥200 triệu trẻ) [1]. Nghiên cứu của Ramakrishnan ước tính có khoảng 178 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới và các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và 55 triệu trẻ suy dinh dưỡng thể gầy còm [2]. Sự phân bố suy dinh dưỡng ở trẻ em có khác biệt rõ nét giữa các châu lục, các vùng miền trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tập trung chủ yếu ở châu Phi và châu Á, đặc biệt là các vùng Đông Phi, Tây Phi, Trung Phi, Nam Trung Á và Đông Nam Á [3].Trong ba thập kỷ qua, nền y tế Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc, góp phần nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Mặc dù vậy, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn cao so với khu vực và thế giới. Cụ thể với số liệu điều tradinh dưỡng năm 2017, 24% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi, 6% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng gầy còm. Báo cáo cũng cảnh báo nguyên nhân do thói quen ăn uống vùng miền và việc sử dụng các thực phẩm kém dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi trẻ chào đời [4]. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2015, 36% trẻ em không được cho ăn đủ số bữa cần thiết, 18% trẻ em không được cho ăn đủ đa dạng thực phẩm. Như vậy, ngay từ giai đoạn đầu đời, trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu [4]. Xã Chí Minh là một xã mới thành lập của Tứ Kỳ thông qua việc hợp nhất của ba xã cũ là Đông Kỳ, Tây Kỳ và Tứ Xuyên. Xã có tổng diện tích là 14,64 km2và mật độ dân số 731 người/km2. Đây là một xã chủ yếu làm nông nghiệp, có thể đại diện cho hầu hết các khu vực nông thôn của Hải Phòng nói chung và Hải Dương nói riêng. Tại đây chưa có nghiên cứu tìm hiều về thực trạng suy dinh dưỡng, cũng như các yếu tố liên quan đến suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Chính vì lẽ đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: “Mô tả thực trạng suy dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của trẻ dưới 5 tuổi tại xã Chí Minh, Tứ Kỳ, Hải Dương năm 2020”
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Suy dinh dưỡng, trẻ dưới 5 tuổi, yếu tố liên quan đến dinh dưỡng, Hải Dương
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc. Báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019 – Khung hành động cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và thực hành cho trẻ ăn bổ sung ở Việt Nam. 2019.
2. Ramakrishnan, U., et al., Multiple micronutrient supplementation during early childhood increases child size at 2 y of age only among high compliers. The American journal of clinical nutrition, 2009. 89(4): p. 1125-1131.
3. WHO, Global Database on Children Growth and Malnutrition. Geneva: WHO press, World Health Organnization, 2010.
4. UNICEF, “Poor diets damaging children’s health, warns UNICEF. In Viet Nam, one in three children under five is either undernourished or overweight”, https://www.unicef.org/vietnam/stories/poor-diets-damaging-childrens-health-warns-unicef. 2017.
5. Viện Dinh dưỡng, Tỷ lệ Suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo các mức độ, theo vùng sinh thái 2018”http://chuyentrang.viendinhduong.vn/FileUpload/Documents/Dinh%20duong%20tre%20em/TLSDD%20duoi%205%20tuoi%20theo%20cac%20muc%20do%20nam%202018.pdf. 2018.
6. Ngô Thị Thu Hiền, Bùi Trường Giang, and Dương Hoàng Ân, Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi tại xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình năm 2016. Tạp chí Y học dự phòng, 2016. 29(1): p. 136.
7. Nguyễn Đình Hưng, Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Thanh Hải, Thanh Hà, Hải Dương năm 2015. Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ Y học dự phòng, Đại học Y Hải Phòng, 2015: p. 25.
8. Bùi Minh Thu and Nguyễn Tiến Dũng, Thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Tạp Chí Khoa Học Công Nghệ, 2011. 89(1): p. 215-220.
9. Trần Quang Trung, Thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi và hiệu quả can thiệp cải thiện khẩu phần ăn cho trẻ dưới 5 tuổi vùng ven biển Tiền Hải, Thái Bình. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Y tế công cộng, 2014.
10. Nguyễn Thị Huấn, Thực trạng suy dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan ở trẻ dưới 5 tuổi tại xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ Y học dự phòng, Đại học Y Hải Phòng, 2013: p. 38-40.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com