Thực trạng mắc bệnh bụi phổi silic của người lao động tại hai Công ty và một số yếu tố liên quan ở Đồng Nai năm 2020
Thực trạng mắc bệnh bụi phổi silic của người lao động tại hai Công ty và một số yếu tố liên quan ở Đồng Nai năm 2020
Tạ Thị Kim Nhung, Nguyễn Ngọc Anh, Lê Thị Thanh Xuân, Khương Văn Duy, Phạm Thị Quân, Nguyễn Thanh Thảo, Nguyễn Quốc Doanh, Phan Thị Mai Hương, Ngô Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, Lê Thị Hương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Bệnh bụi phổi silic là bệnh xơ hoá phổi do hít phải silic tự do, bệnh để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người lao động sản xuất vật liệu xây dựng do không có thuốc điều trị đặc hiệu. Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ người lao động mắc bệnh bụi phổi silic tại hai công ty có phát sinh bụi silic trong môi trường lao động ở Đồng Nai và một số yếu tố liên quan năm 2020. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến hành trên 441 người lao động thuộc 2 công ty ở Đồng Nai. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người lao động mắc bệnh bụi phổi silic ở hai công ty là 8,6%. Đa số người lao động có tổn thương đám mờ nhỏ p/p (chiếm 65,8%) và mật độ 1/1 (chiếm 89,5%) trên phim X-quang. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ người lao động mắc bệnh bụi phổi silic ở hai công ty tham gia nghiên cứu (p < 0,05). Cần có những biện pháp phù hợp để phòng tránh mắc bệnh bụi phổi silic cho người lao động ở hai công ty.
Bụi trong môi trường lao động (MTLĐ) đã được khẳng định là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh đường hô hấp cấp tính và mạn tính cho người lao động (NLĐ).1 Trong đó, bụi silic tự do là nguyên nhân gây ra bệnh bụi phổi silic với đặc điểm bệnh là xơ hoá tiến triển không hồi phục.2 Bệnh bụi phổi silic đã được phát hiện từ lâu và cho đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu nên đã trở thành gánh nặng không nhỏ cho những người lao động mắc phải. Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi silic vẫn là một trong những bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất được giám định.3 Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng mắc bệnh bụi phổi silic ở những người lao động tiếp xúc trực tiếp với bụi silic trong các môi trường lao động khác nhau.4-7 Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Minh Đức (năm 2020) tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic của người lao động ở một số ngành nghề có nguy cơ cao ở Bình Định năm 2018 như khai thác, chế tác đá, sản xuất vật liệu xây dựng là 23,0%,6 tuổi nghề và tiền sử mắc bệnh hô hấp mạn tính là những yếu tố có liên quan tới tình trạng mắc bệnh bụi phổi silic của người lao động.7 Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đề cập đến tình trạng mắc bệnh bụi phổi silic và những yếu tố liên quan của người lao động ở Đồng Nai. Trong khi, Đồng Nai là một trong những tỉnh công nghiệp trọng điểm của miền Nam với nhiều ngành nghề sản xuất có phát sinh bụi silic trong môi trường lao động như sản xuất gạch men và các loại vật liệu xây dựng khác.