Thực trạng và hiệu quả can thiệp nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã tại tỉnh Hòa Bình

Thực trạng và hiệu quả can thiệp nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã tại tỉnh Hòa Bình

Luận án tiến sĩ y học Thực trạng và hiệu quả can thiệp nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã tại tỉnh Hòa Bình.Y tế tuyến xã, phường là một cấu phần quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong hệ thống Y tế Việt Nam bởi đây là đơn vị kỹ thuật y tế gần dân nhất, phát hiện ra sớm nhất những vấn đề sức khỏe cộng đồng, giải quyết 80% khối lượng dịch vụ y tế, là nơi thể hiện rõ nhất sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nơi trực tiếp thể hiện và kiểm chứng các chủ trương của Đảng và Nhà nước về y tế [4], [5], [52].

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là y tế xã, do vậy so với trước đây, mạng lưới y tế xã đã có những cải thiện đáng kể như: Tính đến 31/12/2015, 100% số xã có nhân viên y tế hoạt động, trong đó 98,9% có nhà trạm; 78% TYTX có bác sỹ làm việc; 98% có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, ở khu vực nông thôn, miền núi là 94,6%, khoảng 80% TYTX thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế, góp phần giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí cho người dân… [6], [7], [17], [93]. Tuy nhiên, trong thực tế, do nhiều lý do từ nguồn kinh phí hạn hẹp, chính sách còn bất cập nên việc phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới y tế xã đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Mô hình tổ chức y tế xã chưa ổn định và phù hợp; nhân viên y tế thiếu về số lượng yếu về chất lượng; khả năng đáp ứng về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn nhiều hạn chế; tình trạng thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và thiếu chủ động trong việc phòng chống một số bệnh dịch diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương… Bên cạnh đó, kết quả điều tra mức sống và y tế hộ gia đình nhiều năm qua cho thấy, tỷ lệ khám chữa bệnh nội, ngoại trú tại trạm y tế xã của cả nước chưa cao [24].2
Ngoài ra, nhiều văn bản quy định về tổ chức, nhân lực, chức năng, nhiệm vụ và chế độ chính sách cho trạm y tế xã đã được ban hành khá lâu, từ năm 1994 – 1995 [13], [89] và một số nội dung đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, song đến ngày 08/12/2014, tức là 20 năm sau mới có Nghị định số 117/2014/NĐ-CP của Chính phủ “quy định về y tế xã, phường, thị trấn” để thay thế.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự thay đổi về điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới; sự chuyển đổi mô hình bệnh tật đã đặt ra những yêu cầu lớn trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là đối với y tế cơ sở. Yêu cầu đặt ra là cần phải đầu tư phát triển y tế cơ sở và cần xem xét, đánh giá, đổi mới sắp xếp về tổ chức, cơ cấu nhân lực và nhiệm vụ của trạm y tế xã đáp ứng với tình hình hiện nay và phù hợp với các vùng, miền. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về trạm y tế xã qua các giai đoạn khác nhau với nhiều mô hình trạm y tế xã, tuy nhiên, hiện nay, trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý của trạm y tế xã, từ trực thuộc phòng y tế huyện về trung tâm y tế huyện, trong đó có tỉnh Hòa Bình, vẫn còn ít nghiên cứu đánh giá toàn diện và chuyên biệt về trạm y tế xã trong cả nước cũng như xây dựng và thử nghiệm mô hình trạm y tế xã phù hợp với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày càng cao của nhân dân.
Chính vì những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Thực trạng và hiệu quả can thiệp nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã tại tỉnh Hòa Bình” nhằm các mục tiêu sau:
1. Mô tả thực trạng tổ chức, hoạt động của trạm y tế xã và một số yếu tố liên quan tại 3 huyện, thành phố thuộc tỉnh Hòa Bình, năm 2015.
2. Đánh giá hiệu quả can thiệp nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tại địa bàn nghiên cứu, 2015-2016

DANH MỤC CÁC BÀI BÁO CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Lê Đình Phan, Nguyễn Tuấn Hưng, Đào Văn Dũng (2016), “Thực trạng và khả năng đáp ứng của trạm y tế xã tại 3 huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình, 2015”, Tạp chí Y học Cộng đồng, Viện sức khỏe Cộng đồng, số 34, tháng 9- 10/2016, tr. 63-70.
2. Lê Đình Phan, Đào Văn Dũng, Nguyễn Tuấn Hưng, Trần Văn Hưởng (2016), “Một số yếu tố liên quan đến trạm y tế xã của 3 huyện, thành phố thuộc tỉnh Hòa Bình”, Tạp chí Y học dự phòng, Hội Y học Dự phòng VN, tập XXVI, số 13 (186), tr. 119-128.
3. Lê Đình Phan, Nguyễn Tuấn Hưng, Đào Văn Dũng, Trần Văn Hưởng (2017), “Hiệu quả can thiệp mô hình trạm y tế xã tại 3 huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình, 2016” Tạp chí Y học thực hành, Bộ Y tế, số 1034, tháng 2/2017, tr. 30-33.
4. Lê Đình Phan, Nguyễn Tuấn Hưng, Đào Văn Dũng, Trần Văn Hưởng (2017), “So sánh kết quả trước – sau can thiệp mô hình trạm y tế xã tại 3 huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình, 2016” Tạp chí Y học thực hành, Bộ Y tế, số 1034, tháng 2/2017, tr. 52-56

Luận án tiến sĩ y học Thực trạng và hiệu quả can thiệp nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã tại tỉnh Hòa Bình

Nguồn: https://luanvanyhoc.com

Leave a Comment