Thuốc chống loạn thần – thuốc chính trong điều trị tâm thần phân liệt
Thuốc chống loạn thần là phương pháp điều trị quan trọng trong các tình trạng liên quan đến rối loạn tâm thần, đặc biết là tâm thần phân liệt. Rối loạn tâm thần không phải bệnh lý. Nó là tập hợp các triệu chứng cho thấy não bộ đang không xử lý một số loại thông tin như bình thường. Chúng giúp những người mắc các tình trạng này đỡ bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng và có cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Tìm hiểu các thông tin cơ bản về nhóm thuốc chống loạn thần qua bài viết sau.
Tìm hiểu chung
Thuốc chống loạn thần là gì?
Thuốc chống loạn thần là thuốc điều trị các tình trạng và triệu chứng liên quan đến rối loạn tâm thần. Thuốc chống loạn thần không chữa được rối loạn tâm thần nhưng thường có hiệu quả trong việc giảm và kiểm soát nhiều triệu chứng, bao gồm:
- Hoang tưởng và ảo giác
- Lo lắng và kích động nghiêm trọng, ví dụ như có cảm giác bị đe dọa
- Lời nói không mạch lạc và suy nghĩ lộn xộn
- Hoang mang
- Có hành vi bạo lực hoặc gây rối
- Hưng cảm
Thay vì loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng này, các thuốc chống loạn thần chỉ có thể khiến bạn không cảm thấy khó chịu và dễ dàng sinh hoạt như bình thường.
Thuốc có thể giúp làm dịu và giảm triệu chứng ở người bị rối loạn tâm thần cấp tính trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, hoặc có thể mất bốn hoặc sáu tuần để đạt được hiệu quả tối đa. Khi dùng lâu dài, thuốc chống loạn thần có thể giúp ngăn ngừa các đợt rối loạn tâm thần tiếp theo.
Mặc dù thuốc có thể giúp ích cho một số đối tượng nhưng chúng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Mục đích của việc điều trị bằng thuốc là giảm và kiểm soát các triệu chứng trong khi giữ tác dụng phụ ở mức tối thiểu.
Chỉ định của thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc chính trong điều trị tâm thần phân liệt.
Đôi khi, các thuốc này cũng được sử dụng để điều trị các bệnh tâm thần khác, chẳng hạn như:
- Rối loạn lưỡng cực
- Hưng cảm cấp tính
- Rối loạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
- Rối loạn hoang tưởng
- Kích động nghiêm trọng (Severe Agitation)
- Hội chứng Tourette
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Chứng sa sút trí tuệ và mê sảng
- Loạn thần do chất gây nghiện
- Một số tình trạng khác có thể sử dụng thuốc chống loạn thần nhưng không phải là thuốc chính: Bệnh Huntington, bệnh Parkinson, hội chứng Lesch-Nyhan, rối loạn phát triển lan tỏa.
Cơ chế hoạt động
Người ta cho rằng nồng độ dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh trong não, cao có thể khiến não hoạt động khác thường và có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tâm thần. Các thuốc chống loạn thần hoạt động bằng cách làm giảm lượng dopamine trong não hoặc khôi phục lại sự cân bằng của dopamine với các chất dẫn truyền thần kinh khác. Cụ thể như sau:
- Thuốc chống loạn thần thế hệ đầu tiên: Ức chế sự dẫn truyền thần kinh của chất dẫn truyền dopamine do chặn thụ thể dopamine trong não. Chúng cũng có tác dụng ngăn chặn các con đường dẫn truyền thần kinh khác như noradrenergic, cholinergic và histaminergic (chất dẫn truyền tương ứng: norepinephrine, acetylcholine và histamine).
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai: Chặn thụ thể dopamine D2 đồng thời đối kháng thụ thể serotonin. Khác với thế hệ 1, nhóm này vừa ngăn chặn một số thụ thể dopamine và serotonin, vừa kích hoạt một số thụ thể dopamine và serotonin khác.
Các loại thuốc chống loạn thần phổ biến
Các thuốc điều trị loạn thần được chia thành hai nhóm chính: điển hình (thế hệ 1) và không điển hình (thế hệ 2).
Tùy vào tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc trị loạn thần cụ thể. Bạn có thể phải thay đổi thuốc vài lần để tìm ra thuốc phù hợp nhất với cơ thể, do mỗi người sẽ phản ứng khác nhau với từng loại thuốc.
Nếu bạn đã dùng thuốc trong vài tuần và rất không thể kiểm soát các tác dụng phụ, hãy nói chuyện với bác sĩ để được chỉ định một loại thuốc khác.
Sau đây là một số thuốc chống loạn thần phổ biến:
Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ (Điển hình)
Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ (còn được gọi là thuốc chống loạn thần “điển hình”) ra đời từ những năm 1950, bao gồm:
- Benperidol
- Clorpromazine
- Flupentixol
- Fluphenazine
- Haloperidol
- Levomepromazine
- Pericyazine
- Perphenazine
- Pimozide
- Promazine
- Sulpiride
- Trifluoperazine
- Zuclopenthixol
Thuốc chống loạn thần thế hệ mới (Không điển hình)
Thuốc thế hệ mới hơn (được gọi là thuốc chống loạn thần “không điển hình”) được phát triển vào những năm 1990. Một số loại thuốc phổ biến của nhóm thuốc điều trị loạn thần thế hệ mới như:
- Amisulpride
- Aripiprazole
- Clozapine
- Risperidone
- Olanzapine
- Quetiapine
- Paliperidone
Clozapine
Clozapine hoạt động hơi khác với những thuốc khác. Bác sĩ đôi khi chỉ định thuốc này cho những người kháng điều trị với các liệu pháp chống loạn thần tiêu chuẩn, nghĩa là các thuốc khác không giúp giảm triệu chứng bệnh.
Clozapine có thể làm cho số lượng tế bào bạch cầu giảm, nhưng điều này rất hiếm. Do đó, bạn sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Nếu dùng clozapine, bạn sẽ cần xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo số lượng bạch cầu ở mức bình thường.
Nếu số lượng tế bào bạch cầu bắt đầu giảm, bạn sẽ được yêu cầu ngừng dùng thuốc. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm một xét nghiệm máu khác sau khi bạn đã ngừng clozapine để đảm bảo mức bạch cầu trở lại bình thường. Ngoài ra, họ có thể quyết định thay đổi liều clozapine của bạn hoặc chỉ định một loại thuốc khác.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của các thuốc chống loạn thần là gì?
Tác dụng phụ của thuốc điều trị chứng loạn thần có thể bao gồm:
- Cứng và run người. Các triệu chứng này thường có thể giảm bằng cách giảm liều thuốc. Nhưng, nếu phải dùng liều cao, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng cholinergic để điều trị run rẩy. Đây là loại thuốc được sử dụng cho bệnh Parkinson
- Bồn chồn khó chịu
- Chuyển động của hàm, môi và lưỡi (rối loạn vận động muộn)
- Mất kinh nguyệt ở phụ nữ
- Các vấn đề tình dục do thay đổi nội tiết tố
- Buồn ngủ và chậm chạp
- Giữ nước
- Tăng cân, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường
- Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn
- Táo bón
- Khô miệng
- Nhìn mờ
- Chóng mặt, nhức đầu
Không phải tất cả các thuốc chống loạn thần sẽ có những tác dụng phụ này. Các thuốc thế hệ mới hoặc không điển hình ít có khả năng gây ra tác dụng phụ vận động, nhưng bạn vẫn có thể gặp phải. Tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị hiệu quả. Bên cạnh đó, cùng một loại thuốc có thể ảnh hưởng đến những người khác nhau theo những cách khác nhau. Không phải ai cũng sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn giống nhau.
Thận trọng
Trước khi dùng thuốc, bạn nên lưu ý gì?
- Một số loại thuốc điều trị chứng loạn thần có khả năng ảnh hưởng đến tim. Nếu bạn bị bệnh tim hoặc có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim, bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra tim trong quá trình dùng thuốc.
- Ngoài ra, sử dụng lâu dài các thuốc chống loạn thần điển hình có thể gây ra một tình trạng vận động nghiêm trọng và đôi khi không thể chữa được gọi là rối loạn vận động muộn (TD). Theo các chuyên gia, mỗi năm, khoảng 5% những người dùng thuốc điều trị loạn thần đều mắc rối loạn vận động.
- Các thuốc này không được khuyến cáo cho người lớn tuổi bị chứng mất trí, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và tử vong.
- Các thuốc điều trị loạn thần có thể làm tăng nguy cơ phát triển cholesterol cao và bệnh tiểu đường.
- Hầu như các thuốc chống loạn thần đều gây ra các vấn đề về tình dục do làm tăng một loại hormone trong cơ thể gọi là prolactin. Mức độ prolactin cao có thể gây ra:
- Ngưng chu kỳ kinh nguyệt
- Giảm ham muốn tình dục
- Vú phát triển ở cả nam và nữ
- Khó khơi gợi ham muốn
- Vấn đề cương cứng và xuất tinh.
Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào trong số này, hãy đến gặp bác sĩ. Họ có thể giảm liều hoặc ngừng thuốc. Nếu bạn vẫn phải dùng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc khác để điều trị các vấn đề trên.
Khuyến cáo
- Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các tình trạng y tế, các loại thuốc (kê toa và không kê toa), chế độ dinh dưỡng và thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng trước khi dùng thuốc chống loạn thần.
- Do tác dụng phụ của thuốc là gây buồn ngủ, đừng lái xe hoặc thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi có thể thực hiện được.
- Bạn nên dùng thuốc theo các hướng dẫn trên nhãn thuốc hoặc chỉ định của bác sĩ. Đừng dùng nhiều hay ít thuốc hơn mức khuyến cáo.
- Đừng tự ý ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì bạn sẽ có khả năng cao mắc các phản ứng ngưng thuốc. Ngoài ra, các triệu chứng cũng có thể quay trở lại trong 3-6 tháng. Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ sẽ giảm liều dần dần.
- Trong quá trình dùng thuốc, bạn nên thường xuyên tái khám và làm kiểm tra theo đúng lịch hẹn để theo dõi phản ứng của cơ thể với thuốc.
- Hãy cho bác sĩ biết về việc bạn đang dùng thuốc điều trị loạn thần trước khi thực hiện bất kỳ loại phẫu thuật nào, bao gồm cả quy trình nha khoa.
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Uống thuốc chống loạn thần khi mang thai có thể gây ra những rủi ro nhất định.
Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, hãy nói chuyện với bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc.
Nếu bạn từng bị tái phát bệnh, bác sĩ có thể đề nghị duy trì dùng thuốc trong và sau khi mang thai. Nếu bạn ngưng thuốc và tái phát bệnh, bạn sẽ cần một liều cao hơn nhiều. Điều này sẽ nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
Một số thuốc chống loạn thần có thể được truyền vào sữa mẹ. Vì vậy, nhiều nhà sản xuất thuốc khuyến cáo nên ngừng cho con bú trong khi dùng thuốc điều trị loạn thần. Một số bằng chứng cho thấy sự hiện diện của một số thuốc chống loạn thần như clozapine và olanzapine trong sữa mẹ có thể gây hại cho trẻ bú sữa mẹ. Bạn nên được kiểm tra sức khỏe thường xuyên và nên ngừng cho con bú trong quá trình dùng thuốc.
Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro của thuốc trong khi mang thai hoặc cho con bú.
Trẻ em và thanh thiếu niên
Thuốc chống loạn thần có thể được sử dụng để điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng như rối loạn tâm thần, rối loạn lưỡng cực, hội chứng Tourette, chứng tự kỷ hoặc hung hăng nghiêm trọng. Thông thường, trị liệu tâm lý đóng một vai trò quan trọng. Lưu ý: trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều khả năng gặp phải tác dụng phụ của những loại thuốc này hơn người lớn, đặc biệt là thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai.
Bạn có thể quan tâm
Tương tác thuốc
Các thuốc chống loạn thần có thể tương tác với những thuốc nào?
Các thuốc chống loạn thần có thể tương tác khác nhau với nhiều thuốc khác. Ví dụ, các thuốc này có thể tương tác với thuốc trầm cảm ba vòng. Do đó, không nên được sử dụng cùng nhau.
Một số thuốc chống loạn thần có thể gây buồn ngủ, vì vậy các bác sĩ sẽ cẩn thận khi kê đơn chung với thuốc benzodiazepin vì sẽ làm bạn cảm thấy buồn ngủ hơn.
Thuốc kháng acid có thể cản trở sự hấp thu thuốc chống loạn thần và làm giảm tác dụng của chúng. Nếu bạn đang dùng thuốc kháng acid, bạn có thể tránh điều này bằng cách uống thuốc ít nhất hai giờ trước hoặc một giờ sau khi dùng thuốc.
Bạn cần phải nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng để có thể được chỉ định thuốc chống loạn thần đúng.
Thuốc lá, rượu bia có ảnh hưởng đến các thuốc chống loạn thần không?
Hút thuốc lá có thể làm tăng tốc độ phân hủy một số thuốc chống loạn thần trong cơ thể, có nghĩa là những người hút thuốc nhiều có thể cần liều thuốc lớn hơn những người không hút thuốc. Cà phê có tác dụng ngược lại, làm chậm quá trình phân hủy của thuốc chống loạn thần. Nếu bạn thay đổi lượng thuốc lá hoặc lượng cà phê sử dụng, hãy cho bác sĩ biết vì họ có thể cần điều chỉnh liều lượng thuốc.
Thuốc chống loạn thần có thể làm tăng tác dụng của rượu, khiến bạn buồn ngủ, chóng mặt và choáng váng hơn.
Chuyên mục: Thông tin thuốc
Nguồn: hellobacsi.com