TỈ LỆ THIẾU SẮT Ở TAM CÁ NGUYỆT 1 VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA THAI PHỤ KHÁM TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TỈ LỆ THIẾU SẮT Ở TAM CÁ NGUYỆT 1 VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA THAI PHỤ KHÁM TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Bùi Thị Phương Loan1, Vương Thị Ngọc Lan2, Trần Nhật Thăng2
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Thiếu sắt là vấn đề dinh dưỡng phổ biến và là nguyên nhân chính gây thiếu máu. Phụ nữ mang thai là đối tượng nguy cơ cao thiếu sắt do tăng nhu cầu của cơ thể, đưa đến hậu quả là thiếu máu ở người mẹ, tăng kết cục xấu trong thai kì và giảm dự trữ sắt ở trẻ sau sinh.
Mục tiêu: Xác định tỉ lệ thiếu sắt và các yếu tố liên quan ở tam cá nguyệt 1 của thai phụ khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang thực hiện trên 184 thai phụ ở tam cá nguyệt 1, thiếu sắt được chẩn đoán khi nồng độ ferritin < 30ng/ml.
Kết quả nghiên cứu: Tỉ lệ thiếu sắt ở tam cá nguyệt 1 là 15,8%, tỉ lệ dự trữ sắt cạn kiệt là 6,0%. Yếu tố nguy cơ của thiếu sắt là đã từng có thai (PR=2,17; KTC 95% 1,14-4,13), không ăn thịt đỏ (PR=3,1; KTC 95% 1,04-9,28) và chu kì kinh kéo dài (PR=2,54; KTC 95% 1,22-5,26).
Kết luận: Cần quan tâm tầm soát thiếu sắt trong thai kì bên cạnh tầm soát thiếu máu nhằm giảm kết cục thai kỳ xấu cho mẹ và con.
Thiếu máu là một trong những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân loại. Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ là đối tượng nguy cơ cao thiếu máu. Năm 2016, Tổ chức Y Tế Thế giới ước tính khoảng 40% phụ nữ mang thai bị thiếu máu và hơn 50% trường hợp là do thiếu sắt(1).
Theo công bố mới của Viện Dinh Dưỡng Việt Nam tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai trên toàn quốc năm 2014–2015 là 32,8%, trong đó tỉ lệ thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỉ lệ 54,3%(2).
Thiếu sắt trong thai kì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, tăng nguy cơ tai biến và tử vong mẹ trong thời kì mang thai và hậu sản, tăng nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân,… Khi dự trữ sắt trong cơ thể người mẹ giảm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sắt ở trẻ sau sinh và thậm chí tình trạng này còn kéo dài trong những năm đầu đời của trẻ, ngay cả những trường hợp không thiếu máu(3,4).
https://thuvieny.com/ti-le-thieu-sat-o-tam-ca-nguyet-1-va-cac-yeu-to-lien-quan-cua-thai-phu-kham-tai-benh-vien-dai-hoc-y-duoc/