Tình trạng di căn hạch của ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ở nam giới
Tình trạng di căn hạch của ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ở nam giới
Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Xuân Hiền, Lê Văn Quảng
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá tình trạng di căn hạch trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ở nam giới tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nghiên cứu tiến cứu trên 102 bệnh nhân nam giới ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ tháng 7/2018 đến tháng 08/2020. Độ tuổi trung bình là 40,9 ± 13,0 tuổi. Khối u chủ yếu ở 1 thùy (79,4%), kích thước ≤ 1cm (65,7%). Đánh giá trên siêu âm chủ yếu là TIRADS 4 (66,6%), tỉ lệ chọc hút tế bào kim nhỏ chẩn đoán ác tính 74,5%. Đa số các bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp (67,6%). Tỉ lệ di căn hạch chung là 59,8%, tỉ lệ di căn hạch cổ nhóm 6 đơn thuần và kèm theo hạch cổ bên lần lượt là 56,1% và 33,3%. Tỉ lệ di căn hạch tiềm ẩn là 47,1%. Các yếu tố: kích thước u > 1cm, ung thư hai thùy, u phá vỡ vỏ xâm lấn ra ngoài tuyến liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng di căn hạch (p < 0,05).
Theo GLOBOCAN 2018, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 5 trong số các loại ung thư ở nữ giới với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 10,2/100.000 dân, đứng hàng thứ 9 chung cho cả 2 giới với 567.233 ca mới mắc và 41.071 ca tử vong hàng năm.1 Việt Nam cũng là một trong các nước có tỷ lệ mắc UTTG cao, theo ghi nhận năm 2000, tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nữ xếp thứ 12, ở nam xếp hàng thứ 13 trong các loại ung thư nói chung.2 Năm 2018, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao, đứng hàng thứ 16 với 5418 ca mới mắc, 528 ca tử vong hàng năm.1Các số liệu cho thấy tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nam giới thấp hơn khoảng 2 đến 3 lần so với nữ giới.1 Sự khác biệt về tỉ lệ mắc giữa hai giới gợi ý có thể có sự khác nhau về mặt sinh học trong sự hình thành và tiến triển của ung thư tuyến giáp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hormone giới tính (testosterone và estradiol) có thể gây ảnh hưởng đến sự tổng hợp DNA và phát triển tế bào tuyến giáp, độc lập với tác dụng của TSH, và có những vai trò khác nhau trong sinh bệnh học của UTTG3 (E2. Ngoài ra, trên lâm sàng, UTTG thể biệt hóa ở nam giới thường có kích thước u lớn hơn, tỉ lệ di căn hạch và tái phát tại chỗ cao hơn.4 Về thời gian sống thêm toàn bộ (OS), một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tiên lượng UTTG ở nam giới xấu hơn nữ giới.5 Như vậy, các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đặc biệt là tiên lượng trong ung thư tuyến giáp có sự khác biệt giữa hai giới. Hiện tại ở Việt Nam chưa có nhiều kết quả nghiên cứu về nhóm bệnh nhân nam. Do vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu: Đánh giá tình trạng di căn hạch và các yếu tố liên quan trong ung thư tuyến giáp thể biệt hoá ở nam giới.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com