Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của người ăn chay tại Hà Nội năm 2020 – 2021
Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của người ăn chay tại Hà Nội năm 2020 – 2021
Nguyễn Ngọc Thu1, Phan Thị Bích Hạnh, Nguyễn Thành Tiến, Nguyễn Thu Giang, Lê Thị Hương
1 Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm mô tả tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của người ăn chay tại Hà Nội. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 64 đối tượng đã thực hiện chế độ ăn chay tối thiểu một tháng, độ tuổi từ 20 đến 69, trong thời gian từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021. Kết quả cho thấy có 7,8% đối tượng có tình trạng thiếu năng lượng trường diễn (BMI – chỉ số khối cơ thể < 18,5), 20,3% có tình trạng thừa cân/béo phì (BMI ≥ 23). Tỉ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở nữ cao hơn ở nam (8,9% so với 5,3%), tỉ lệ thừa cân/béo phì ở nam cao hơn ở nữ (47,4% so với 8,9%), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới có nguy cơ thừa cân/béo phì cao hơn so với nữ giới (OR=9,2, p < 0,05) và có mối tương quan thuận giữa thời gian hoạt động thể lực trong tuần và khối lượng cơ của đối tượng nghiên cứu (r = 0,4, p < 0,05). Bên cạnh đó, kết quả phân tích khẩu phần 24 giờ cho thấy đa phần các đối tượng không đạt nhu cầu khuyến nghị về năng lượng, các chất sinh năng lượng, vitamin và chất khoáng, chất xơ.
Ăn chay là chế độ ăn không tiêu thụ tất cả các loại thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt, cá, động vật thân mềm và giáp xác… các sản phẩm từ sữa, trứng và mật ong có thể được sử dụng. Do đó, có hai chế độ ăn chay chính: ăn chay lacto-ovo (không tiêu thụ thịt nhưng tiêu thụ các thực phẩm từ sữa, trứng, mật ong) và ăn thuần chay (chỉ tiêu thụ các thực phẩm từ thực vật).1Trong một thống kê năm 2016, châu Á có tỷ lệ người ăn chay cao nhất, với 19% dân số. Tỷ lệ ăn chay của Châu Phi và Trung Đông là 16%, tiếp theo là 8% ở Nam và Trung Mỹ và 6% ở Bắc Mỹ. Châu Âu có tỷ lệ người ăn chay thấp nhất, với 5% dân số.2 Từ năm 2012 đến 2018, số người ăn chay ở Brazil đã tăng từ 8% lên 14%, chiếm một phần đáng kể dân số.3 Theo một báo cáo về xu hướng ăn chay tại Việt Nam năm 2012 cho thấy có 14,7% người ăn chay thường xuyên, trong đó có 4,4% người ăn chay trường theo năm.4 Trong một nghiên cứu khác về thói quen tiêu dùng thực phẩm chay tại Việt Nam trên 334 đối tượng cũng cho thấy có 50,3% đối tượng ăn chay và 68% quan tâm và tìm hiểu về ăn chay.5 Như vậy, có thể thấy rằng chế độ ăn chay đang ngày một phổ biến trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Từ lâu, người ta đã thấy rằng có mối liên quan chặt chẽ giữa chế độ ăn và tình trạng dinh dưỡng. Một chế độ ăn mất cân bằng, dù thiếu hay thừa đều dẫn đến những rối loạn về tình trạng dinh dưỡng và gây ra một số bệnh như suy dinh dưỡng protein – năng lượng, thừa cân béo phì…6 Các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy rằng: tỉ lệ thiếu năng lượng trường diễn của người ăn chay dao động từ 4 – 9,3%,7,8,9,10 tỉ lệ thừa cân béo phì nằm trong khoảng 9 – 32,2%.
Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của người ăn chay tại Hà Nội năm 2020 – 2021